Lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc giảm xuống còn 0,8%/năm |
Ngày 2/12/2019 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định số 2497/QĐ – NHNN về mức lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể, lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND là 0,8%/năm, lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND là 0%/năm; lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0%/năm, lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0,05%/năm.
Như vậy, so với mức 1,2%/năm theo Quyết định 1716/QĐ-NHNN năm 2005, lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND áp dụng theo quy định mới đã giảm tới 0,4 điểm phần trăm.
BVSC cho rằng việc giảm lãi suất trả cho các khoản tiền gửi dự trữ bắt buộc và vượt dự trữ bắt buộc như trên của NHNN có hai mục đích chính.
Thứ nhất là sẽ khuyến khích các ngân hàng đang có thanh khoản dư thừa, thường xuyên có tiền gửi vượt mức dự trữ bắt buộc tại NHNN tăng cường hoạt động cho vay ra nền kinh tế thay vì để tiền ở NHNN để hưởng lãi suất.
Khi chi phí cơ hội của hoạt động cho vay giảm xuống do nhận được ít tiền lãi hơn từ NHNN, các NHTM có thể sẽ xem xét tăng cho vay nhiều hơn.
Theo BVSC, nhiều khả năng tình hình tăng trưởng tín dụng trong 11 tháng đầu năm còn cách khá xa mục tiêu 14% nên NHNN đang tăng cường các giải pháp để thúc đẩy tín dụng.
Động thái này trên cũng được cho là “đồng pha” với một loạt chính sách tiền tệ mới gần đây liên quan đến giảm trần lãi suất huy động và cho vay các lĩnh vực ưu tiên, giảm lãi suất cho vay OMO, giảm lãi suất phát hành tín phiếu…
Nhìn rộng ra thế giới thì hiện nay, Nhật Bản và châu Âu là những khu vực đang áp mức lãi suất âm (lần lượt là -0,1% và -0,5%) cho các khoản tiền của ngân hàng thương mại gửi tại ngân hàng trung ương khi vượt một ngưỡng nhất định. Điều này đồng nghĩa các ngân hàng thương mại thậm chí phải trả một khoản phí cho ngân hàng trung ương thay vì được hưởng lãi.
Thứ hai, việc giảm lãi suất trả cho các khoản dự trữ bắt buộc cũng giúp NHNN tiết kiệm được một khoản chi phí nhất định trong quá trình điều hành chính sách. Tuy nhiên, BVSC cho biết, không đánh giá quá cao mục đích thứ hai này.
Mai Chi