Fica
  1. Tài chính ngân hàng

50.000 tỷ đồng "dội" xuống, tiền rẻ đưa tín dụng lên ngôi?

Trong bối cảnh thanh khoản dồi dào, lãi suất xuống thấp, các doanh nghiệp đã quay lại với kênh tín dụng ngân hàng trong khi phát hành trái phiếu giảm nhiệt đáng kể.

50.000 tỷ đồng dội xuống, tiền rẻ đưa tín dụng lên ngôi? - 1

Nguồn tiền trong hệ thống ngân hàng đang dồi dào (ảnh minh họa: TTXVN)

Phát hành trái phiếu doanh nghiệp giảm sức nóng

Trong bản tin trái phiếu tháng 11 do Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) mới phát hành, các chuyên gia phân tích tại đây cho biết, trong tháng vừa rồi, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành đã tăng 37,9% so với tháng 10.

Tuy nhiên, tổng giá trị phát hành vẫn ở mức thấp trong năm và giảm tới 82,3% so với tháng cao điểm là tháng 8 sau khi các quy định mới về siết chặt hoạt động phát hành trái phiếu được quy định tại Nghị định số 81/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/9.

Các doanh nghiệp có xu hướng phát hành tập trung ở các kỳ hạn trung hạn, trong đó các kỳ hạn từ 3-7 năm chiếm giá trị nhiều nhất (14.400 tỷ đồng, chiếm 87,4% tổng giá trị phát hành). Kỳ hạn phát hành bình quân trong tháng 10 là 4,61 năm, hầu như đi ngang so với tháng 10.

Nhóm ngân hàng, xây dựng và bất động sản vẫn tiếp tục nằm trong các nhóm có kỳ hạn phát hành lớn nhất tháng, với bình quân đạt 6,1 năm, 5 năm và 4,9 năm. Nhóm điện và tài chính có kỳ hạn thấp nhất, chỉ đạt 1,6 và 2,7 năm.

Cũng trong tháng 11, nhóm ngân hàng và bất động sản tiếp tục là 2 tổ chức phát hành lớn nhất thị trường và chiếm tới hơn 66,9% tổng giá trị phát hành. Trong đó, nhóm ngân hàng phát hành thành công đạt hơn 6.000 tỷ đồng, với đóng góp chính từ hai ngân hàng Tienphong Bank (TPB) và Lienviet Post Bank (LPB).

Nhóm ngành bất động sản ghi nhận giá trị phát hành thành công đạt 4.917 tỷ đồng, chủ yếu đến từ Công ty Cổ phần Bất động sản Hano-Vid với 2.400 tỷ đồng và Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (BCM) với 2.000 tỷ đồng.

Doanh nghiệp bất động sản trả lãi suất trái phiếu cao nhất thị trường

Báo cáo của KBSV cũng cho hay, trong tháng 11, có một số ít doanh nghiệp công bố lãi suất phát hành, dao động từ 6,5% đến 13%.

HDBank (HDB) huy động trái phiếu với lãi suất trung bình thấp nhất, chỉ 6,5% cho kỳ hạn 7 năm trong khi Công ty IDJ, thuộc ngành bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với lãi suất cao đạt mức 13,0% cho kỳ hạn 3 năm.

Đặc biệt, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã phát hành trái phiếu với kỳ hạn chỉ có 1 năm và mức lãi suất lên tới 9,5%.

Theo KBSV, các doanh nghiệp đã quay lại kênh tín dụng khi cần huy động vốn trong tháng 11, khi tăng trưởng tín dụng 11 tháng tăng mạnh lên 8,4% so với đầu năm từ mức 7,3% trong tháng 10.

Với việc các doanh nghiệp cần có thời gian để làm quen và chuẩn bị nhằm đáp ứng được các điều kiện mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và dư địa để các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay trong tháng 12 vẫn còn tương đối nhiều, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được cho là sẽ tiếp tục trầm lắng.

Nguồn tiền trong hệ thống ngân hàng vẫn dồi dào

Hoạt động thị trường mở tiếp tục yên ắng trong tháng 11 khi chỉ có 1 giao dịch mua lại đảo ngược (reverse repos) được thực hiện trị giá 1,1 tỷ đồng. Nguồn cung VND vẫn dồi dào nhờ hoạt động mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong bối cảnh tín dụng đã hồi phục (11 tháng đạt 8,4% so với mức tăng 7,3% trong 10 tháng).

50.000 tỷ đồng dội xuống, tiền rẻ đưa tín dụng lên ngôi? - 2

Theo ước tính của KBSV, NHNN đã mua vào khoảng 2 tỷ USD, tương đương với bơm ra ngoài thị trường gần 50.000 tỷ đồng.

Lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn luôn duy trì ở mức thấp kể từ cuối tháng 6, với mặt các kì hạn ngắn hầu như đi ngang do thanh khoản trong hệ thống ngân hàng luôn dồi dào.

Cụ thể, lãi suất các kỳ hạn từ qua đêm đến 1 tháng dao động trong khoảng 0,1% - 0,3%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng có nhiều biến động hơn do chịu tác động nhu cầu vay kỳ hạn 3 tháng và mặt bằng lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng. Khối lượng giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong tháng 11 tập trung ở kỳ hạn qua đêm và duy trì ở mức cao (tăng 10,2% so cùng kỳ).

Các chuyên gia KBSV nhận định, diễn biến lãi suất liên ngân hàng trong tháng 12 sẽ tăng nhẹ khi thanh khoản thị trường bớt dồi dào.

Các chỉ số về bán lẻ và sản xuất chế biến chế tạo diễn biến tích cực trong 3 tháng qua là nhân tố quan trọng cho thấy khả năng hồi phục của nhu cầu vốn trong thời gian sắp tới.

Chuyên gia KBSV dự báo, tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ đạt 10% trong năm 2020. Như vậy chỉ trong tháng 12, tín dụng ước tính tăng 1,5 điểm phần trăm, tương đương với gần 125.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, thanh khoản có thể được hỗ trợ thông qua nghiệp vụ mua ngoại tệ của NHNN.

Mai Chi