Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính quý III/2022 của các ngân hàng, nhóm nhà băng Big 4 (4 ngân hàng có vốn Nhà nước lớn nhất) tiếp tục dẫn đầu về cho vay khách hàng.
Cụ thể, BIDV đang là quán quân với 1,46 triệu tỷ đồng, tăng 10,7% so với đầu năm. Tiếp theo là VietinBank với 1,24 triệu tỷ đồng, tăng 10,1%.
Vietcombank là đơn vị có mức tăng mạnh nhất trong top 3, tương ứng 17,6% lên 1,13 triệu tỷ đồng. Hồi đầu năm, Vietcombank không góp mặt trong "câu lạc bộ" nhà băng cho vay trên 1 triệu tỷ song sau 9 tháng đã lọt top này.
Tổng dư nợ cho vay khách hàng của 3 ngân hàng trong nhóm Big 4 lên tới 3,8 triệu tỷ, tăng 12,4% so với đầu năm và chiếm tới 48,8% tổng số dư cho vay khách hàng của 27 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính.
Các ngân hàng xếp sau có số dư cho vay khách hàng cách biệt xa nhóm Big 4. Dẫn đầu nhóm ngân hàng tư nhân là MB, với số dư cho vay khách hàng đạt 426.233 tỷ đồng, tăng 17,2% so với đầu năm. Sacombank đạt 420.748 tỷ đồng, tăng 8,5%.
(Biểu đồ: Thảo Thu). |
Các vị trí xếp sau là Techcombank (410.546 tỷ đồng), ACB (402.251 tỷ đồng), SHB (376.104 tỷ đồng), HDBank (246.497 tỷ đồng) và LienVietPostBank (227.944 tỷ đồng), VIB (226.152 tỷ đồng), TPBank (156.191)...
Trong nhóm trên, HDBank là nhà băng có mức tăng trưởng cho vay mạnh nhất, lên tới 21,3%, Techcombank tăng trưởng tới 18,2%, MB là 17,2%....
Thống kê cho thấy chỉ có duy nhất đơn vị có mức tăng trưởng âm là PGBank - ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu. Ngân hàng này giảm tỷ lệ cho vay khách hàng ở mức 0,8%, xuống 27.284 tỷ đồng. Còn lại các ngân hàng đều tăng trưởng dương, với mức tăng dao động từ 7% đến 21%.
Diễn biến số dư cho vay khách hàng của các ngân hàng tăng cao trùng diễn biến room tín dụng của một số đơn vị từ đầu quý II phải co kéo. Đến hết quý III, nhiều nhà băng đã gần đạt room kịch trần cho phép.
(Biểu đồ: Thảo Thu). |
Hồi đầu tháng 9, các ngân hàng đã chính thức được nới thêm room tín dụng. Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng có phần. Theo một số nguồn tin, chỉ 15 ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh hoặc đi đầu trong việc thực hiện các quyết sách Chính phủ được cấp thêm room. Trong đó, các cái tên gồm 4 Big 4 và 11 ngân hàng tư nhân như Sacombank, HDBank, MB, OCB, VIB, TPBank, Techcombank, VPBank, MSB..., với room được nới dao động từ 1% đến 4%.
Sang đến đầu tháng 10, theo thông tin từ một công ty chứng khoán, 4 nhà băng tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém là VPBank, HDBank, MB và Vietcombank tiếp tục được điều chỉnh thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng từ việc phân bổ lại hạn mức giữa các ngân hàng khác.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến hết tháng 9, tăng trưởng tín dụng đã đạt 10,96%. Dư địa tín dụng năm nay là 14%. Theo nhận định của giới chuyên gia và nhìn từ diễn biến các năm trước, nhu cầu tín dụng sẽ còn tăng cao những tháng cuối năm.
Thảo Thu