Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) trong thông báo mới nhất chính thức loại cổ phiếu NVL và PDR ra khỏi rổ 30 mã vốn hoá lớn nhất thị trường, thay bằng 2 mã ngân hàng là SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội và SSB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeABAnk). Danh mục này có hiệu lực từ ngày 7/8.
VN30-Index đại diện cho nhóm 30 mã bluechip đứng đầu. Có 3 bước để chọn cổ phiếu trong rổ này. Đầu tiên, HoSE chọn 50 cổ phiếu có giá trị vốn hóa thị trường bình quân hàng ngày trong 6 tháng cao nhất (loại trừ các cổ phiếu bị cảnh cáo, kiểm soát, tạm ngừng giao dịch hoặc có thời gian niêm yết dưới 6 tháng).
Sau đó, cơ quan này loại bỏ các cổ phiếu có tỷ lệ lưu hành tự do dưới 5%. Các cổ phiếu còn lại sau bước 2 được sắp xếp theo thứ tự giá trị giao dịch hàng ngày bình quân trong 6 tháng giảm dần. 20 cổ phiếu đầu tiên sẽ được chọn vào VN30. Các cổ phiếu thứ hạng từ 21 đến 40 thì ưu tiên các cổ phiếu cũ, sau đó mới đến lựa chọn các cổ phiếu mới để cho vào rổ (điều này để đảm bảo tính ổn định của bộ chỉ số).
Cổ phiếu NVL của Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland) tăng khoảng 6% trong 6 tháng đầu năm, nhưng bị đưa vào diện cảnh báo từ tháng 4, do chậm nộp báo cáo tài chính nên không đáp ứng tiêu chí để ở lại trong rổ VN30. Còn cổ phiếu PDR của Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt có thị giá tăng hơn 12% nửa đầu năm, nhưng vốn hóa hiện nằm ngoài nhóm mã đứng đầu nên bị loại.
Việc danh mục VN30 sẽ có thay đổi đã được công ty chứng khoán dự báo từ trước. Bộ phận phân tích Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) và Công ty chứng khoán BIDV (BSC) trước đó cùng chung dự báo việc rổ VN30 sẽ có thêm 2 cổ phiếu ngân hàng là SHB và SSB, đồng thời loại 2 mã bất động sản là NVL và PDR.
Ngân hàng Nhà nước trước đó đã chấp thuận việc SHB phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 18% và phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP). Sau khi thực hiện 2 phương án trên, vốn điều lệ của nhà băng này sẽ tăng lên 36.645 tỷ đồng, trong nhóm 5 ngân hàng tư nhân có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống. Ngân hàng này cũng đặt mục tiêu tìm đối tác chiến lược trong năm nay. Theo Reuters, dự kiến trong năm nay hoặc đầu năm 2024, SHB sẽ hoàn tất việc bán 20% vốn cho đối tác ngoại.
Diễn biến giá cổ phiếu SHB (Ảnh: FireAnt). |
SeABank mới đây thông qua phương án chào bán riêng lẻ gần 95 triệu cổ phiếu cho Norwegian Investment Fund (Norfund) của Na Uy, dự kiến thu về tối thiểu hơn 1.200 tỷ đồng. SeABank là một trong số ít ngân hàng hiện chưa có cổ đông chiến lược nước ngoài.
Bộ phận phân tích của SSI ước tính SSB sẽ được các quỹ trên mua vào 14 triệu cổ phiếu (tỷ trọng 4,34%) và SHB sẽ được mua vào 19 triệu cổ phiếu (tỷ trọng 2,67%).
Số lượng cổ phiếu ngân hàng trong rổ VN30 sau điều chỉnh của HoSE đã lên 13 mã, chiếm tỷ trọng khoảng 51,5%. Các mã gồm ACB, BID, CTG, HDB, MBB, STB, TCB, TPB, VCB, VIB, VPB, SSB, SHB.
Thảo Thu