Fica
  1. Quốc tế

Xuất khẩu của Trung Quốc quay đầu giảm trong tháng 3

Đại Phú
Đại Phú

Xu hướng hồi phục của Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng

Xuất khẩu của Trung Quốc “đi lùi” trong tháng 3 qua đó dội gáo nước lạnh vào hy vọng xu hướng phục hồi nhu cầu hàng hóa từ nước ngoài sẽ góp phần vực dậy nền kinh tế số hai thế giới.  

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm 7,5% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với dự báo giảm 2,3% của giới chuyên gia. Kết quả trên đồng thời đảo chiều mức tăng 7,1% ghi nhận trong giai đoạn hai tháng đầu năm. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu của quốc gia này trong cùng giai đoạn giảm 1,9%, kéo theo thặng dư thương mại giảm chỉ còn 58,55 tỷ USD.

Tổng giá trị thương mại của nền kinh tế số hai thế giới tháng vừa qua đạt 500,8 tỷ USD, thấp hơn 5,1% so với tháng 3/2023. 

Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc quay đầu giảm

Diễn biến trên trái ngược với những tín hiệu phát đi trong giai đoạn đầu năm, vốn khiến không ít người dự báo khả năng Trung Quốc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay không quá khó khăn. Hoạt động sản xuất lần đầu tiên tăng trưởng kể từ tháng 9 năm ngoái trong khi số lượng đơn hàng cũng đi lên sau chuỗi nhiều tháng thụt lùi. 

Theo cơ quan thống kê, nhu cầu suy yếu đối với các hàng hóa cơ khí, công nghệ cao và dệt may góp phần vào kết quả đáng buồn tháng vừa qua. 

Kết quả trên được công bố tại thời điểm mà hoạt động thương mại của Trung Quốc nhận được sự quan tâm lớn từ các quốc gia phương Tây với Mỹ và châu Âu liên tục bày tỏ quan ngại về thực trạng sản xuất dư thừa tại nền kinh tế thế hai thế giới với hệ quả hàng hóa giá rẻ tràn ngập thị trường toàn cầu. Đây là một trong số những nội dung chính trong chuyến thăm của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tới Trung Quốc và có thể sẽ được Thủ tướng Đức Olaf Scholz đề cập khi có mặt tại Bắc Kinh trong một vài ngày tới. 

Kết quả xuất, nhập khẩu tháng 3 giới chuyên gia phân tích “chia rẽ” khi dự báo về triển vọng kinh tế Trung Quốc. 

Ngày 11/4, Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2024 từ 4,8% lên 5%, nhấn mạnh vào đà phục hồi của lĩnh vực sản xuất. 

Nhưng theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế số hai thế giới chỉ tăng trưởng 4,8% trong cùng giai đoạn, thấp hơn mức tăng 5,2% ghi nhận một năm trước đó khi chưa thể thoát khỏi ảnh hưởng của khủng hoảng thị trường bất động sản. 

Gần đây nhất, Fitch Ratings hạ triển vọng tín dụng của Trung Quốc từ “ổn định” xuống “tiêu cực” với lý do rủi ro nợ công tăng cao trong khi tăng trưởng chậm lại.