Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dẫn báo cáo mới nhất của World Bank về bối cảnh nền kinh tế thế giới trong năm 2020 cho hay, báo cáo này đã dành chapter 4 để nói về rủi ro đến từ việc thị trường nợ đang được tích lũy nhanh chóng.
Theo báo cáo này, trong vòng 50 năm qua, đã có tới 4 làn sóng tích lũy nợ lớn trên toàn cầu – lần 1 vào 1970-1989, lần 2 diễn ra từ 1990-2001 và lần thứ 3 diễn ra từ 2002-2009. Lần thứ 4 hiện đang diễn ra đã bắt đầu từ năm 2010.
Theo số liệu của World Bank, tổng nợ tích lũy toàn cầu trong đợt tích lũy nợ này đã tăng lên mức cao mới - tương đương với 230% của GDP toàn cầu vào năm 2018.
Trong đó, tổng nợ tích lũy đến từ các nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế phát triển cũng đã đạt đến mức cao nhất lịch sử - 170% GDP, tăng 54% so với thời điểm 2010. Đây cũng là làn sóng tích lũy nợ có quy mô lớn nhất, tốc độ tích lũy lớn nhất và độ phủ rộng nhất trong 4 làn sóng tích lũy diễn ra trong 50 năm qua.
Làn sóng tích lũy nợ lần thứ 4 được cho là có nhiều điểm tương đồng với 3 lần trước. Thứ nhất, chúng đều bắt đầu trong thời kỳ lãi suất được duy trì ở mức thấp. Thứ hai, đây cũng là thời kỳ chứng kiến nhiều sự cải tiến về tài chính và sự thay đổi cấu trúc thị trường.
Hai điều này đã tạo điều kiện và khuyến khích việc vay nợ. Tuy nhiên, cả 3 làn sóng tích nợ trước đây đều kết thúc bằng cuộc khủng hoản tài chính quy mô lớn và thường trùng hợp với thời điểm nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại hoặc suy thoái.
Do đó, World Bank tỏ ra lo ngại trước nguy cơ khủng hoảng thị trường nợ toàn cầu. Tổ chức này cho rằng việc lãi suất được duy trì ở mức thấp và được kỳ vọng sẽ tiếp tục được giữ ở mức thấp về trung hạn sẽ giúp giảm thiểu một phần những rủi ro liên quan đến việc nợ tích lũy đang dần tăng lên.
Tuy nhiên, điều này là không đủ để có thể ngăn chặn khủng hoảng có thể xảy ra, và trong trường hợp điều này xảy ra thì các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ chịu tác động tiêu cực nhất do nợ tích lũy tại các nền kinh tế này đang ở mức rất cao.
Do vậy, World Bank đưa ra 4 khuyến nghị chính để có thể giảm thiểu rủi ro khủng hoảng nợ xảy ra và giảm thiểu tác động (nếu điều xảy ra).
Thứ nhất, các quốc gia phải duy trì hệ thống quản lý nợ hợp lý và minh bạch.
Thứ hai, cần phải có khung chính sách tiền tệ, tài khóa và tỷ giá hối đoái tốt để có thể tăng tính chịu đựng của nền kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang trở nên mong manh.
Thứ ba, thiết lập hệ thống kiểm soát và giám sát thị trường tài chính thật chặt chẽ để có thể sớm nhận diện và có thành động kịp thời xử lý rủi ro.
Cuối cùng, cần phải có chính hệ thống quản lý tài chính công hiệu quả và có những chính sách để khuyến khích quản trị doanh nghiệp tốt nhằm sử dụng vốn vay nợ một cách hiệu quả...
Mai Chi