Fica
  1. Quốc tế

WHO kêu gọi hoãn khẩn cấp tiêm liều bổ sung đến tháng 9

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các nước giàu ngừng phân phối vắc xin liều bổ sung trong bối cảnh nguồn cung còn hạn chế.

WHO kêu gọi hoãn khẩn cấp tiêm liều bổ sung đến tháng 9 - 1

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (Ảnh: Reuters).

"Tôi hiểu mối quan tâm của tất cả các chính phủ trong việc bảo vệ người dân của họ khỏi biến chủng Delta. Tuy nhiên, chúng ta không thể chấp nhận việc các quốc gia đã sử dụng phần lớn nguồn cung vaccine toàn cầu lại tiếp tục sử dụng nhiều hơn, trong khi nhiều người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới chưa được bảo vệ", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói tại cuộc họp báo ngày 4/8.

Người đứng đầu WHO kêu gọi các nước hoãn tiêm vắc xin liều bổ sung ít nhất 2 tháng nữa để thế giới có cơ hội đạt mục tiêu tất cả các nước tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số vào cuối tháng 9.

"Chúng ta cần một sự đảo ngược ngay lập tức về việc phân phối vắc xin. Thay vì tập trung vào các nước thu nhập cao, hiện giờ vắc xin phải được ưu tiên cho các nước thu nhập thấp", ông Tedros nói.

Ông Bruce Aylward, trợ lý cấp cao Tổng giám đốc WHO, nói: "Vấn đề mấu chốt ở đây là chúng ta chưa cần thiết tiêm liều tăng cường cho đến khi cả thế giới đạt được đến ngưỡng mà người cao tuổi, người có bệnh lý nền, những người ở tuyến đầu chống dịch được bảo vệ bằng vắc xin".

Phản ứng về lời kêu gọi của WHO, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói: "Chúng tôi cảm thấy đó là sự giới hạn lựa chọn sai lầm… Chúng tôi sẽ có đủ nguồn cung để đảm bảo có thể triển khai nếu FDA khuyến nghị tiêm liều tăng cường cho một phần dân số. Chúng tôi tin rằng có thể làm được cả hai và chúng tôi không cần phải lựa chọn một trong hai".

Một số quốc gia đã triển khai hoặc đang cân nhắc tiến hành chương trình tiêm chủng vắc xin liều thứ 3 để tăng mức độ miễn dịch trong bối cảnh xuất hiện các biến chủng mới dễ lây lan hơn và một số nghiên cứu cho rằng hiệu quả bảo vệ của 2 liều vắc xin có thể giảm theo thời gian.

Tuy vậy, theo các chuyên gia, độ phủ tiêm chủng toàn cầu là yếu tố quan trọng nhằm chấm dứt đại dịch. Họ cho rằng, sẽ ngày càng xuất hiện nhiều biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 có thể đe dọa tất cả các nước, cả những người đã tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng trừ khi tỷ lệ miễn dịch toàn cầu tăng.

"Thế giới đang ở giai đoạn như vậy, chúng ta có thể thấy biến chủng virus liên tục xuất hiện, chúng ta không thể chấm dứt đại dịch nếu cả thế giới không cùng thoát đại dịch cùng nhau, với sự chênh lệch rất lớn về độ phủ vắc xin hiện nay, chúng ta khó có thể đạt được mục tiêu đó", ông Aylward nói.

Israel đã triển khai tiêm liều vắc xin ngừa Covid-19 thứ 3 cho người trên 60 tuổi từ đầu tháng này. Mỹ cũng đang cân nhắc tiêm liều bổ sung sau khi hơn 70% dân số đã được tiêm chủng ít nhất một liều.

Hãng dược Pfizer của Mỹ cho biết, họ đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng để xác định hiệu quả của 2 loại vắc xin tăng cường gồm mũi thứ 3 của Pfizer hiện tại và liều vắc xin thứ 3 phiên bản mới. Pfizer tin rằng, mức độ bảo vệ của 2 liều vắc xin Pfizer sẽ giảm dần theo thời gian, nên có thể phải tiêm liều thứ 3 sau 6-12 tháng. Hãng Moderna cũng cho biết đang nghiên cứu có cần thiết tiêm mũi thứ 3 hay không.

Trong khi đó, CDC Mỹ và Cục Quản lý Thực và Dược phẩm Mỹ nói rằng, hiện chưa có đủ dữ liệu cho thấy việc tiêm liều thứ 3 là cần thiết. Theo hai cơ quan này, những người tiêm đủ 2 liều vắc xin đã được bảo vệ khỏi bệnh nặng và tử vong, bao gồm cả các biến chủng đang lưu hành như Delta.

 Minh Phương
Theo CNBC