Cựu Phó tổng thống Mỹ Mike Pence được tiêm vắc xin Covid-19 của Pfizer-BioNTech hồi cuối năm ngoái. (Ảnh: Fox)
"Đây sẽ là vũ khí giúp chiến thắng cuộc chiến này", Thống đốc New York Andrew Cuomo nói về vắc xin ngừa Covid-19 BNT162b2 do Pfizer và BioNTech hợp tác phát triển, khi vắc xin này chuẩn bị được triển khai tiêm chủng ở Anh, Mỹ và Canada.
Vắc xin Pfizer-BioNTech ra đời là một thành tựu lớn, nhưng bước đi đầu tiên trong chương trình miễn dịch toàn cầu này chưa thể giúp kết thúc đại dịch Covid-19 ngay lập tức.
Dù sự xuất hiện của vắc xin có thể giúp kiểm soát những ảnh hưởng nguy hiểm nhất của dịch bệnh và hạn chế sự lây lan của vi rút, nhưng có lẽ sẽ phải mất vài năm nữa trước khi Covid-19 có thể được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu.
Trong trường hợp lý tưởng nhất, nhiều loại vắc xin sẽ được phê chuẩn ở hầu hết các quốc gia, khi đó sẽ có thông tin chi tiết về mức độ hiệu quả, thời gian miễn dịch và tác động của chúng đối với việc lây nhiễm vi rút. Hiện đã có một số loại vắc xin công bố mức độ hiệu quả trong việc phòng ngừa vi rút, trong đó có vắc xin Pfizer-BioNTech (Mỹ-Đức), Moderna (Mỹ), Sputnik-V (Nga), Sinopharm (Trung Quốc), Oxford-AstraZeneca (Anh).
Tuy vậy, ngay cả khi các dữ liệu về vắc xin được công bố rộng rãi, hiện vẫn còn nhiều thông tin chưa chắc chắn về hiệu quả của các loại vắc xin này trong việc phòng ngừa dịch bệnh. Một trong số câu hỏi được đặt ra là thời gian miễn dịch kéo dài bao lâu sau khi tiêm vắc xin?
Các cuộc thử nghiệm lâm sàng hiện mới chỉ thu thập dữ liệu trong vài tháng, còn về lâu dài, việc theo dõi sau khi tiêm chủng sẽ xác định liệu các liều vắc xin ban đầu đã đủ để kháng vi rút chưa, hay cần phải bổ sung thêm? Liệu có vắc xin nào ngăn chặn hoàn toàn việc lây nhiễm vi rút không? Liệu các vắc xin có an toàn và phát huy tác dụng đối với các nhóm dân cư chưa được tham gia vào quá trình thử nghiệm không, hay liệu có rủi ro phát sinh đối với nhóm đối tượng nào không, chẳng hạn phụ nữ mang thai? Chỉ có thể đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi này nếu các nhóm dân cư đều được tham gia thử nghiệm.
Một câu hỏi khác được đặt ra là liệu người dân vẫn cần phải tiêm vắc xin hay họ sẽ được bảo vệ thông qua miễn dịch cộng đồng? Hiện chưa rõ các loại vắc xin sẽ ảnh hưởng như thế nào tới việc lây nhiễm, do vậy triển vọng đạt được miễn dịch cộng đồng thông qua vắc xin vẫn còn câu chuyện mơ hồ.
Nhân viên kiểm tra ống đựng vắc xin Sinovac tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: LA Times)
Thế giới chưa khi nào phải đối mặt với sự cần thiết của việc triển khai tiêm chủng đại trà như bây giờ. Nhiều thách thức đã được đặt ra, từ vấn đề tài chính, hậu cần cho tới xã hội, và điều này sẽ tác động tới việc các quốc gia kiểm soát dịch bệnh nhanh chóng và hiệu quả như thế nào sau khi họ bắt đầu quá trình phân phối vắc xin.
Các quốc gia đã bắt đầu tiêm chủng vắc xin, trong đó chủ yếu là các nước có thu nhập cao và trên trung bình, cần nhớ rằng đại dịch chỉ có thể kết thúc nếu được kiểm soát trên quy mô toàn cầu. Các sáng kiến quốc tế, trong đó có chương trình chia sẻ vắc xin toàn cầu COVAX, đã vào cuộc để hỗ trợ các quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình trong việc thiết lập các chương trình vắc xin và đảm bảo việc tiếp cận vắc xin một cách công bằng.
Mặc dù vậy, tính đến tháng 12/2020, COVAX mới chỉ đảm bảo được 400 triệu trong số 2 tỷ liều vắc xin cần thiết để cung cấp cho 20% dân số tại các nước có thu nhập thấp hoặc trung bình trong năm 2021. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Mỹ và Canada đã đạt được thỏa thuận để mua hơn 50% số liều vắc xin dự kiến được sản xuất trong năm 2021, dù các nước này chỉ chiếm 14% dân số toàn cầu.
Vắc xin là "công cụ" quan trọng để kiểm soát dịch Covid-19, tuy nhiên việc phân phối vắc xin toàn cầu vẫn còn là bài toán nhiều thách thức, trong khi hiệu quả của vắc xin vẫn chưa được chứng minh ngay lập tức. Tính đến nay, thế giới đã ghi nhận hơn 2,38 triệu ca tử vong và hơn 108 triệu ca mắc Covid-19. Con số này dự kiến tiếp tục tăng lên khi nhiều nước bắt đầu phát hiện các biến thể của vi rút khiến dịch bệnh lây lan nhanh hơn và vắc xin khó đạt hiệu quả hơn.
Thành Đạt
Theo Lancet