Fica
  1. Quốc tế

Vốn ngoại chảy mạnh khỏi chứng khoán Trung Quốc, điều gì đang xảy ra?

Đại Phú
Đại Phú

Áp lực bán tăng cao trong một vài tháng gần đây có thể biến 2023 trở thành năm thị trường chứng khoán Trung Quốc “hút” lượng vốn ròng thấp nhất kể từ năm 2015.

Hơn 3/4 lượng tiền đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán Trung Quốc trong bảy tháng đầu năm 2023 đã "quay đầu" chảy khỏi nền kinh tế số hai thế giới.

Cụ thể, nhà đầu tư toàn cầu đã bán ra lượng cổ phiếu Trung Quốc trị giá hơn 25 tỷ USD bất chấp những nỗ lực khôi phục niềm tin của Bắc Kinh.

Áp lực bán tăng cao trong một vài tháng gần đây có thể biến 2023 trở thành năm thị trường chứng khoán Trung Quốc “hút” lượng vốn ròng thấp nhất kể từ năm 2015, thời điểm chương trình Stock Connect kết nối thị trường Hong Kong và Trung Quốc đại lục ra đời.

Nhà đầu tư nước ngoài đang quay lưng với chứng khoán Trung Quốc

Giới chuyên gia phân tích nhận định sự thiếu hụt các chính sách hỗ trợ quyết liệt từ phía chính quyền trung ương là nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư quốc tế “ngần ngại” giải ngân. Họ sẽ chờ đợi tới khi nào tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đủ nhanh để có thể cạnh tranh sòng phẳng với các thị trường khác trong khu vực.

“Các thị trường Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc,... đang cho thấy sức hấp dẫn lớn”, theo lãnh đạo một ngân hàng đầu tư có trụ sở tại Hong Kong. “Hiện tại, tôi không có nhiều lý do để ở lại Trung Quốc”, ông chia sẻ.

Bước sang năm 2023, nhà đầu tư quốc tế đẩy mạnh mua vào cổ phiếu Trung Quốc với số lượng cao kỷ lục trong tháng 1, mang theo kỳ vọng nền kinh tế số hai thế giới sẽ phục hồi mạnh mẽ sau khi giai đoạn Zero-Covid khép lại.

Tuy nhiên, sự kiên nhẫn ngày càng vơi bớt với việc các quỹ đầu tư liên tục bán ròng thời gian gần đây khi những quan ngại liên quan tới thực trạng thanh khoản khó khăn trên thị trường bất động sản và tốc độ tăng trưởng chậm trong năm nay phủ bóng.

Kể từ khi chạm đỉnh 235 tỷ nhân dân tệ (tương đương 32,6 tỷ USD) vào đầu tháng 8 sau khi chính phủ Trung Quốc cam kết tung ra nhiều hơn các chính sách hỗ trợ, dòng vốn ròng chảy vào thị trường chứng khoán nước này kể từ đầu năm nay hiện chỉ còn 54,7 tỷ nhân dân tệ, thấp hơn tới 77%, theo dữ liệu được Financial Times thu thập.

Bruce Pang, Kinh tế trưởng thị trường Trung Quốc tại công ty nghiên cứu và đầu tư bất động sản JLL, cho biết những cam kết có phần muộn màng của chính quyền khiến cho tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng. Bất chấp nhiều nhiều giải pháp đã được đưa ra, thực tế cho thấy lĩnh vực bất động sản vẫn chưa thể phục hồi, qua đó đòi hỏi nhiều hơn các giải pháp tương tự”, ông chia sẻ.

Đà bán tháo cổ phiếu Trung Quốc của nhà đầu tư nước ngoài khiến chỉ số CSI 300 của nước này giảm hơn 11% từ đầu năm, trái ngược với mức tăng từ 8 tới 10% của các thị trường chứng khoán Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.

Trong đó, Ấn Độ và Hàn Quốc là hai thị trường ghi nhận dòng vốn ròng chảy vào cao nhất với lần lượt 12,3 tỷ USD và 6,4 tỷ USD, theo ước tính của Goldman Sachs. Thị trường chứng khoán xứ sở kim chi đang hướng tới năm đầu tiên ghi nhận dòng vốn ròng dương kể từ trước đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, một số ngân hàng phố Wall vẫn duy trì quan điểm tích cực với chứng khoán Trung Quốc, đặc biệt trong năm 2024.

Goldman Sachs dự báo chỉ số CSI 300 tại thời điểm cuối năm sau có thể cao hơn 17% so với hiện tại khi kết quả kinh doanh và định giá doanh nghiệp tại Trung Quốc được cải thiện.

Trong khi đó, Morgan Stanley dự báo chứng khoán Trung Quốc có thể tăng 7,5% trong giai đoạn 12 tháng tới. Thế nhưng, ngân hàng này đồng thời cảnh báo tình hình có thể diễn biến theo hướng tiêu cực nếu như chính phủ nước này chần chừ trong việc tung ra các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng.

“Điều gì thuyết phục các quỹ đầu tư có ít nhất 1 tỷ USD tài sản đổ 100 triệu USD vào thị trường chứng khoán Trung Quốc? Câu trả lời chính là triển vọng tăng trưởng mạnh trong dài hạn. Nếu như không nhìn thấy được điều đó, họ sẽ chẳng tới đây”, một công ty chứng khoán tại Hong Kong, chia sẻ.

Đại Phú