Thương chiến Mỹ-Ấn
Gần đây, quan hệ Mỹ-Iran leo thang căng thẳng sau vụ tấn công 2 tàu chở dầu Kokura Courageous của Nhật Bản và Front Altair của Na Uy ở eo biển Hormuz (vịnh Oman) hôm 13-6 vừa qua. Chính phủ Mỹ lên tiếng cáo buộc Iran đứng đằng sau âm mưu tấn công trên, trong khi phía Iran đã phủ nhận và nói đang bị Mỹ vu oan; qua đó, đẩy căng thẳng giữa 2 nước lên cao nhất trong vòng hơn 3 thập kỷ qua.
Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc cũng đang hồi gay cấn khi cả hai bên đều đang gia tăng danh mục các mặt hàng bị áp thuế lên nhau. Các chuyên gia đều thống nhất nhận định cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang tác động xấu tới kinh tế toàn cầu. Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ gây chiến thương mại với Trung Quốc mà còn gia tăng sức ép lên cả đồng minh châu Âu và các nước sân sau của Mỹ như Mexico, Canada nhằm đem lại lợi ích tốt nhất cho nước Mỹ.
Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Ấn Độ. (Nguồn: WSJ)
Trong bối cảnh trên, Mỹ tiếp tục đau đầu trong căng thẳng thương mại với Ấn Độ khi ngày 16-6, chính phủ Ấn Độ quyết định tăng thuế đối với 29 mặt hàng nhập khẩu của Mỹ sau nhiều lần trì hoãn kể từ khi công bố kế hoạch này hồi năm ngoái. Các mặt hàng đáng chú ý là quả hạnh nhân, táo và quả óc chó. Ấn Độ là nước nhập khẩu quả hạnh nhân nhiều nhất từ Mỹ với giá trị lên đến 543 triệu USD trong năm 2018, chiếm hơn 50% lượng quả hạnh nhân xuất khẩu của Mỹ. Ngoài ra, nước này cũng đứng thứ 2 trong danh sách các nước nhập khẩu táo từ Mỹ với 156 triệu USD trong năm 2018.
Trước đó, ngày 5-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ngưng áp dụng Chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) đối với Ấn Độ. Được biết, GSP được phía Mỹ áp dụng đối với hàng hóa Ấn Độ từ năm 2017, bao gồm các mặt hàng trang sức giả, sản phẩm da, dược phẩm, hóa chất, nhựa và một số nông sản; cho phép Ấn Độ được miễn thuế lên đến 5,7 tỷ USD giá trị hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ.
Ấn Độ cho rằng, quyết định của Mỹ là "đáng tiếc" và tuyên bố sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia, đồng thời lên kế hoạch áp thuế trước khi Thủ tướng Narendra Modi gặp Tổng thống Donald Trump bên lề hội nghị G20 ở Nhật Bản, dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 28 đến ngày 29-6-2019.
Hồi tháng 3-2019, trong một lá thư gửi Quốc hội Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã thông báo ý định loại bỏ Ấn Độ khỏi chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Đây là tín hiệu cho thấy, sau Trung Quốc, chính quyền Mỹ bắt đầu hướng cuộc chiến thương mại sang các mục tiêu nhỏ hơn ở châu Á.
Trong khi đó, năm 2018, chính phủ Ấn Độ đã lên kế hoạch tăng thuế lên đến 120% đối với nhiều hàng hóa của Mỹ sau khi Washington từ chối loại bỏ nước này khỏi danh sách tăng thuế đối với nhôm và thép. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dự kiến thăm Ấn Độ trong tháng 6 này, và cho biết Mỹ sẽ "cởi mở hơn với đối thoại để giải quyết những bất đồng thương mại".
Ẩn ý của Tổng thống Trump
Giới chuyên gia nhận định, động cơ thực sự của Mỹ sau động thái ngưng áp dụng GSP đối với Ấn Độ là:
Thứ nhất, Tổng thống Donald Trump muốn cho cử tri thấy ông kiên quyết thực hiện cam kết "Nước Mỹ trên hết", cũng như quyết tâm tìm kiếm những mối quan hệ thương mại mạnh mẽ dựa truyên nguyên tắc bình đẳng và có đi có lại. Trước khi gửi lá thư về việc ngưng áp dụng GSP đối với Ấn Độ, từ tháng 4-2019, Mỹ đã thông báo rằng, nước này sẽ xem lại tư cách của Ấn Độ do New Delhi áp thuế nhập khẩu cao lên một loạt hàng hóa có xuất xứ từ Mỹ, gây tác động tiêu cực và nghiêm trọng đến hoạt động thương mại của Mỹ. Theo Cục Thống kê Mỹ, năm 2018, thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Ấn Độ vào khoảng 20 tỷ USD (trong đó, Ấn Độ xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá hơn 50 tỷ USD vào Mỹ, trong khi chỉ nhập khẩu từ Mỹ lượng hàng hóa trị giá khoảng 30 tỷ USD).
Táo Mỹ bị Ấn Độ áp thuế mới
Thứ hai, chính quyền Mỹ đứng trước sức ép vận động hành lang ngày càng lớn từ 2 Hiệp hội bơ sữa (Liên đoàn các nhà sản xuất sữa quốc gia và Hội đồng xuất khẩu sữa Mỹ) và các nhà sản xuất thiết bị y tế. Đây là những ngành chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ các "rào cản thương mại" của Ấn Độ. Hàng loạt công ty cung cấp thiết bị y tế Mỹ như Abbott Laboratories, Johnson & Johnson hay Boston Scientific đã phản ứng trước việc Ấn Độ áp giá trần đối với một số loại ống stent (ống đỡ động mạch trong can thiệp tim), bởi giá trần có lúc thấp hơn cả giá nhập khẩu khiến họ lỗ nặng. Chính các ngành này đã kiến nghị gửi tới Văn phòng đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đánh giá lại tính hợp lệ, lợi ích khi áp dụng GSP cho Ấn Độ.
Thứ ba, do tính cách "giao dịch" của mình, Tổng thống Donald Trump thường dùng quân bài gắn cam kết quốc phòng của Mỹ và sự phụ thuộc an ninh của các đồng minh để giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại và đã khá thành công khi gây sức ép thương mại lên Đức, EU, Hàn Quốc, nhưng vẫn duy trì được quan hệ an ninh với các đồng minh này. Chính vì vậy, một mặt, Mỹ gây sức ép với Ấn Độ về thương mại, mặt khác đẩy mạnh củng cố quan hệ an ninh quốc phòng Mỹ-Ấn. Hồi tháng 9-2018, Mỹ đã ký với Ấn Độ Hiệp ước An ninh và Tương thích liên lạc (COMCASA), mở đường cho việc bán các thiết bị quân sự nhạy cảm của Mỹ sang quốc gia Nam Á này.
Thứ tư, đây có thể coi là động thái gây sức ép của Mỹ trước những cuộc đàm phán thương mại với Ấn Độ. Điều này phù hợp với cách tiếp cận "đánh trước, đàm phán sau" của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Thứ năm, vào thời điểm Ấn Độ trước và sau khi tổ chức xong cuộc tổng tuyển cử (diễn ra từ ngày 11-4 đến ngày 19-5 và công bố kết quả vào ngày 25-5 vừa qua), chính quyền ông Trump hiểu rằng, Thủ tướng Narendra Modi sẽ không muốn leo thang căng thẳng thương mại với Mỹ, sau những cam kết mới đây. Thực tế, cuối tháng 3-2019, Bộ Thương mại Ấn Độ đã đề xuất chính phủ tiếp tục hoãn áp mức thuế cao đối với 28 loại hàng hóa Mỹ cho tới nay.
Thứ sáu, Tổng thống Trump muốn phát đi thông điệp rằng, các nước không còn là nước đang phát triển và có thặng dư thương mại với Mỹ thì không nên tiếp tục nhận quyền ưu đãi đặc biệt từ Mỹ, nhất là khi không cung cấp được quyền tiếp cận thị trường công bằng cho các doanh nghiệp Mỹ. Thực tế, vào thời tiềm GSP hình thành, Ấn Độ ở mức tăng trưởng thấp, song đến nay, Ấn Độ đang dần vượt qua Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới.
Tác động không nhỏ
Giới chuyên gia nhận định, đây có thể coi là bước lùi lớn nhất trong quan hệ Mỹ-Ấn kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức và khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Ấn leo thang, sẽ không bên nào hoàn toàn thắng.
Đối với Ấn Độ, chính quyền Thủ tướng Narendra Modi cho rằng, quyết định của Mỹ không tác động nhiều đến xuất khẩu của Ấn Độ sang Mỹ vì phần ưu đãi thuế chỉ khoảng 190 triệu USD/năm. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cảnh báo, xuất khẩu bị ảnh hưởng dù mức nhỏ cũng khiến viễn cảnh kinh tế Ấn Độ ảm đạm hơn, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của nước này vẫn chậm chạp.
Những vòng tay nồng ấm của Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Narendra Modi không làm dịu được căng thẳng thương mại Mỹ-Ấn. (Nguồn: AP)
Việc Mỹ loại khoảng 2.000 mặt hàng của Ấn Độ ra khỏi GSP khiến nhiều việc làm của Ấn Độ bị mất, bởi phần lớn hàng hóa được miễn thuế từ GSP do các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước sử dụng nhiều lao động. Nếu không được ưu đãi thuế, nhiều mặt hàng của Ấn Độ sẽ mất đi tính cạnh tranh trên thị trường Mỹ, trong đó những ngành bị tác động mạnh nhất là thực phẩm chế biến, da, nhựa, hàng kỹ thuật, trang sức kim loại quý, dệt may và dược phẩm.
Đối với Mỹ, căng thẳng trong thương mại với Ấn Độ có thể ảnh hưởng tới cả quan hệ chiến lược, an ninh song phương. Quân bài gắn cam kết quốc phòng của chính quyền Tổng thống Trump với giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại khó thành công khi áp dụng với Ấn Độ bởi khác với các đồng minh Mỹ ở Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á, nước này không phụ thuộc quá lớn vào Mỹ.
Trong khi đó, quan hệ Mỹ-Ấn dễ bị lung lay do dựa trên nền tảng không vững chắc. Nếu "già néo đứt dây", New Dehli có thể lạnh nhạt với chiến lược "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" (FOIP) mà Mỹ đang nỗ lực triển khai với Bộ tứ An ninh Mỹ-Nhật Bản-Ấn Độ-Australia.
Kể cả khi Thủ tướng Modi không muốn làm căng với Tổng thống Trump thì việc Mỹ loại Ấn Độ ra khỏi GSP cũng có thể làm khơi dậy tâm lý "chống Mỹ" trong dư luận Ấn Độ. Với lập luận "Mỹ cần Ấn Độ để đối phó với Trung Quốc nhưng vẫn hành xử cứng rắn trong vấn đề thương mại", giới hoạch định chính sách đối ngoại của Ấn Độ có thể điều chỉnh quan hệ với Mỹ theo hướng "đừng quá gần gũi Mỹ".
Điều này có thể đẩy New Delhi xích lại gần hơn với Bắc Kinh. Với lý lẽ rằng, chủ nghĩa bảo hộ thương mại đơn phương của Chính quyền Tổng thống Donald Trump làm tổn hại tới sự phát triển kinh tế và tình hình nội bộ Ấn Độ, Bắc Kinh có thể kêu gọi Ấn Độ mở rộng hợp tác với Trung Quốc không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị, an ninh, quốc phòng nhằm bảo đảm an ninh quốc gia và thương mại công bằng.
Về mặt kinh tế, loại Ấn Độ khỏi GSP, Mỹ vô hình trung tạo cơ hội cho một số hàng hóa Trung Quốc thay thế hàng hóa Ấn Độ ở thị trường Mỹ, từ đó càng làm gia tăng thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ngoài ra, về mặt chính trị, trong buối cảnh chuẩn bị cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020, việc căng thẳng trong thương mại với Ấn Độ cũng phần nào làm ảnh hưởng tới tâm lý của dư luận trong nước. Vì vậy, ông Donald Trump cần khéo léo xử lý vấn đề này một cách "thuận cả đôi đường" để thu hút được nhiều hơn sự ủng hộ của người dân Mỹ.
Có thể thấy, khác với chính quyền Tổng thống tiền nhiệm Barrack Obama, chính quyền Tổng thống Donald Trump có xu hướng muốn tách biệt vấn đề thương mại với vấn đề địa-chính trị. Nhưng điều này rất khó thực hiện, bởi trong thế giới đương đại, hai vấn đề này có mối liên hệ mật thiết, hữu cơ với nhau.
Theo Nhất Tuệ
An ninh thủ đô