Fica
  1. Quốc tế

Vì sao khan hiếm chip lại là dấu hiệu tốt cho nền kinh tế thế giới?

Quỳnh Ngọc
Quỳnh Ngọc

Mặc dù rất nhỏ nhưng chip máy tính là thứ không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, nếu thiếu chúng thế giới sẽ ngừng hoạt động.

Sự thiếu hụt chip hoàn toàn không phải do nguyên nhân đại dịch dù việc sản xuất bị gián đoạn. (Ảnh: IT)

Vì vậy, lo lắng xuất hiện khi thế giới đang chuẩn bị cho sự phục hồi nhanh hơn khiến nhu cầu toàn cầu về chip bán dẫn đang vượt xa nguồn cung. Đây có thể là dấu hiệu của tình trạng thiếu hụt hàng hóa sản xuất chủ chốt trên toàn cầu ngày càng lan rộng, có thể dẫn đến tăng giá và lạm phát cao hơn.

 

Theo báo cáo của OECD, lạm phát tại các nền kinh tế lớn đã tăng 2,4% trong tháng 3/2021. Lạm phát đang quay trở lại, nhưng đó không phải là điều đáng sợ. Bởi giá cả cao hơn là một dấu hiệu cho thấy sức sống của nền kinh tế đang trở lại kể từ khi bị đại dịch tấn công.

 

Mặc dù đại dịch chưa thể đẩy lùi, song với sự hồi phục mạnh hơn và lạm phát cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang trở lại trạng thái bình thường.

 

Sự thiếu hụt chip hoàn toàn không phải do nguyên nhân đại dịch dù việc sản xuất bị gián đoạn. Năm ngoái, khi đại dịch lây lan, các công ty trên khắp thế giới buộc phải cắt giảm sản lượng khiến các nhà sản xuất chất bán dẫn cũng phải giảm sản lượng. Nhưng bây giờ, khi hoạt động kinh tế thế giới hồi phục trở lại, các nhà sản xuất chip phải tăng tốc để bắt kịp với sự gia tăng nhu cầu toàn cầu về chất bán dẫn.

 

Với việc IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay sẽ ở mức 6% sau khi giảm 3,3% trong năm ngoái, không có gì ngạc nhiên khi ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đối mặt với sự thiếu hụt. Điều này có thể gây tắc nghẽn cho các ngành công nghiệp chủ chốt như sản xuất ô tô.

 

Tuần trước, nhà sản xuất chất bán dẫn Infineon của Đức, nhà cung cấp chính cho các nhà sản xuất ô tô, cảnh báo, có tới 2,5 triệu ô tô có thể không được sản xuất trong nửa đầu năm 2021 do tình trạng thiếu hụt chuỗi cung ứng liên tục.

 

Hiệp hội Công nghiệp chất bán dẫn cũng cho biết, doanh số bán hàng trên toàn thế giới đã tăng 3,6% trong quý đầu tiên của năm 2021, tăng 17,8% trong 12 tháng qua. Mặc dù sản lượng chip mới chỉ giảm, song các công ty như Ford vẫn cảnh báo, việc sản xuất ô tô ở một số nhà máy sẽ bị ảnh hưởng cho đến khi tình trạng thiếu hụt này được giải quyết.

 

Trong khi đó, việc cân bằng giữ phục hồi và kỳ vọng lạm phát gia tăng có thể là một thách thức. Giới phân tích cho rằng, mặc dù giá có thể tăng trong ngắn hạn nhưng các nhà hoạch định chính sách toàn cầu vẫn cần thận trọng và giữ chính sách tiền tệ nới lỏng cho đến khi thế giới phục hồi hoàn toàn sau đại dịch và tăng trưởng bền vững. Trước đó, họ từng cho rằng lạm phát quá thấp và nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ trở lại tình trạng giảm phát.

 

Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy lạm phát do cầu kéo hoặc do chi phí đẩy. Tăng trưởng toàn cầu đang phục hồi trở lại, nhưng nó đang diễn ra từ một nền tảng cực kỳ yếu, không phải do yếu tố lạm phát. Ngay bây giờ, sự phục hồi toàn cầu cần được nuôi dưỡng, chứ không phải cắt đứt trong thời kỳ sơ khai.

 

Nhật Linh

Theo SCMP