Fica
  1. Quốc tế

Venezuela siêu lạm phát, có thể đạt 1.000.000% cuối năm nay

Với tình hình nền kinh tế Venezuela đang xấu đi nhanh hơn dự kiến, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố dự kiến rằng lạm phát của đất nước Nam Mỹ này có thể đạt 1.000.000% vào cuối năm nay.

Ecoanalitica, một công ty tài chính có trụ sở tại Caracas, thậm chí còn dự kiến tỷ lệ lạm phát của Venezuela sẽ đạt 1,4 triệu phần trăm vào tháng 12 năm nay. (Nguồn: Quartz)

Ecoanalitica, một công ty tài chính có trụ sở tại Caracas, thậm chí còn dự kiến tỷ lệ lạm phát của Venezuela sẽ đạt 1,4 triệu phần trăm vào tháng 12 năm nay. (Nguồn: Quartz)

Nếu trở thành sự thật, tỷ lệ lạm phát này sẽ khiến Venezuela là một trong các quốc gia có tỷ lệ lạm phát tồi tệ nhất lịch sử.

“Đây là một trong những tình huống siêu lạm phát nghiêm trọng nhất mà chúng tôi biết từ đầu thế kỷ 20”, ông Robert Rennhack, phó giám đốc bộ phận bán cầu Tây của IMF cho biết.

Tờ Quartz cho biết, theo một nghiên cứu của ông Steve H. Hanke, một giáo sư Kinh tế học ứng dụng tại Đại học Johns Hopkins, hồi tháng 5, vòng xoáy lạm phát của Venezuela được xếp thứ 23 trong danh sách tỷ lệ lạm phát cao nhất từng được ghi nhận.

Hơn nữa, lạm phát của Venezuela đang ngày càng tăng cao khi nền kinh tế bị phá vỡ bởi các chính sách xã hội chủ nghĩa thất bại, tham nhũng và ngành công nghiệp dầu mỏ sụp đổ.

Đồng nội tệ gần như vô giá trị và rất khan hiếm. Thậm chí, Chính phủ còn có một thời gian gặp khó khăn trong việc chi trả cho giấy để in tiền mặt.

Thay vào đó, Chính phủ Venezuela chỉ tạo ra các khoản tiền điện tử được thanh toán vào tài khoản ngân hàng, có nghĩa là ngay cả các giao dịch nhỏ đang ngày càng được thực hiện bằng thẻ ngân hàng và chuyển tiền hơn là bằng tiền mặt.

Tuy nhiên, đất nước này dường như không còn lựa chọn nào khác. Lạm phát quá cao đến nỗi người Venezuela đang rời bỏ quốc gia của họ trong những đợt suy thoái. Ước tính khoảng 2 triệu người dân sẽ xuất cảnh trong năm nay, nâng tổng số lên 3,8 triệu người đã rời khỏi đây từ năm 2016.

Đáng nói, mới một tuần trước, nước rửa chén có giá 3,8 triệu Bolivar, hôm nay đã là 4,9 triệu Bolivar. Một kilogram thịt gà có giá 3,3 triệu Bolivar vào tuần trước thì hôm nay có giá là 4,2 triệu Bolivar.

Một phụ nữ đi ngang qua một cửa hàng đóng kín cửa ở Caracas, Venezuela với dòng chữ Có bánh mì không? trên cửa. (Nguồn: Juan Barreto / AFP / Getty Images)

Một phụ nữ đi ngang qua một cửa hàng đóng kín cửa ở Caracas, Venezuela với dòng chữ "Có bánh mì không?" trên cửa. (Nguồn: Juan Barreto / AFP / Getty Images)

Theo tờ Washington Post, chị Yaimy Flores, 30 tuổi, sống tại thủ đô Caracas có chồng làm nghề gác cổng, kiếm được mức lương tối thiểu là 5.196.000 Bolivar/tháng, tương đương khoảng 3 USD ở thị trường chợ đen.

Theo đó, chị Flores cho biết, thu nhập của gia đình còn chưa đủ mua 1kg gạo và 0,5 kg pho mát mỗi tháng. Dù nhận được đậu lăng, bột ngô và một số mặt hàng khác thông qua một chương trình của Chính phủ, nhưng gia đình hầu hết đã không được ăn thịt từ lâu và không còn đủ khả năng mua xà phòng và dầu gội đầu nữa.

“Bây giờ chúng tôi chỉ còn một chút xà phòng còn lại. Gia đình tôi phải cắt nó thành từng phần để biết được nên sử dụng bao nhiêu. Tôi không biết sẽ phải dùng cái gì khi chỗ xà phòng đó hết. Tôi cũng chưa mua dầu gội từ năm ngoái”, chị Flores nói.

Đáng nói, IMF thậm chí còn đang đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của siêu lạm phát tại Venezuela.

Cụ thể, Ecoanalitica, một công ty tài chính có trụ sở tại Caracas, dự đoán tỷ lệ lạm phát sẽ vượt qua con số 1 triệu, đạt 1,4 triệu phần trăm vào tháng 12 năm nay.

“Đối với một quốc gia đã từng là quốc gia giàu nhất của Nam Mỹ, điều này có nghĩa là một chu kỳ tàn bạo của sự nghèo khổ. Đối với đa số người Venezuela phụ thuộc vào công việc của họ và không có tiền tiết kiệm hoặc không nhận được sự giúp đỡ từ các thành viên gia đình của họ ở nước ngoài, lạm phát đạt hơn 1.000.000% sẽ càng khiến họ nghèo đói hơn”, ông Asdrúbal Oliveros, giám đốc của Ecoanalitica cho biết thêm.

Hồng Vân (Tổng hợp)