Phó Tổng thống Venezuela Ricardo Menendez (Ảnh: Venezolana de Televisión)
Trả lời hãng thông tấn quốc gia Agencia Venezolana de Noticias ngày 18/2, Phó Tổng thống phụ trách hoạch định của Venezuela Ricardo Menendez cho biết nước này đã mất tới 38 tỷ USD chỉ trong 3 năm qua vì lệnh trừng phạt của Mỹ.
Theo ông Menendez, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Venezuela đã thiệt hại 23 tỷ USD, trong khi 15 tỷ USD bị hụt còn lại có liên quan tới hoạt động của Citgo Petroleum. Đây là doanh nghiệp có trụ sở tại Mỹ và do công ty dầu khí Venezuela PDVSA chiếm đa số cổ phần.
“Nếu chúng ta cộng thêm 20 tỷ USD thiệt hại do sự tụt dốc của ngành công nghiệp dầu mỏ, chúng ta có con số 58 tỷ USD. Venezuela đã mất gần 60 tỷ USD”, ông Menendez cho biết.
Quan chức này cho biết việc các quốc gia nước ngoài cung cấp viện trợ nhân đạo cho Venezuela trong bối cảnh gia tăng lệnh trừng phạt kinh tế chống lại Caracas là “không chân thành”. “Chúng tôi muốn các lệnh trừng phạt nhằm vào nền kinh tế và quân đội dừng lại, để chúng tôi có thể bắt đầu quá trình hồi phục kinh tế”, ông Menendez nhấn mạnh.
Ngày 23/1, lãnh đạo quốc hội Juan Guaido viện dẫn một điều khoản trong Hiến pháp Venezuela, không công nhận quyền lực của đương kim Tổng thống Nicholas Maduro, đồng thời tự phong mình làm tổng thống lâm thời. Ông Maduro đã bác bỏ động thái trên, gọi đây là “âm mưu đảo chính”. Động thái của ông Guaido đã được Mỹ, các đồng minh châu Âu và Mỹ Latin ủng hộ.
Ngày 28/1, Mỹ áp lệnh trừng phạt lên PDVSA. Đây là lệnh trừng phạt tài chính mạnh nhất từ trước tới nay của Washington nhằm gây sức ép lên chính quyền Maduro. Theo đó, nó sẽ ngăn không cho chính phủ của ông Maduro tiếp cận các tài sản trị giá 7 tỷ USD của PDVSA, đồng thời sẽ khiến lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ của Venezuela thiệt hại khoảng 11 tỷ USD trong năm tới.
Theo Reuters, chỉ 1 ngày sau đó, ông Maduro dường như đã nhờ sự giúp đỡ của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) để đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ giữa lúc khủng hoảng. Tuy nhiên, OPEC đến nay chưa đáp ứng đề nghị của Caracas.
Kinh tế Venezuela bắt đầu tuột dốc từ năm 2014 sau khi giá dầu liên tục giảm. Chính quyền Tổng thống Maduro cũng chịu nhiều áp lực từ các lệnh cấm vận của Mỹ. Lạm phát của Venezuela năm 2019 được dự báo ở mức 2 triệu %.
Đức Hoàng
Theo Tass