Fica
  1. Quốc tế

"Vận hạn" của Boeing chưa qua

Đại Phú
Đại Phú

Tình trạng người lao động đình công sẽ còn kéo dài, hoạt động sản xuất của hãng sẽ chịu ảnh hưởng.

64% công nhân cơ khí của Boeing đã bỏ phiếu phản đối một thỏa thuận lao động mới đi kèm điều khoản tăng lương 35% trong vòng bốn năm tới, theo thông báo của tổ chức công đoàn đại diện. Diễn biến này sẽ làm kéo dài thêm phong trào đình công, vốn đã diễn ra được hơn năm tuần lễ, gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất của công ty.

Đây có thể coi là một thất bại lớn khác đối với Boeing trước nỗ lực ổn định tình hình sản xuất. Trước đó, hãng sản xuất máy bay này cảnh báo sẽ tiếp tục thua lỗ trong năm 2025 đồng thời công bố khoản lỗ quý III/2024 lên tới 6 tỷ USD, lớn nhất kể từ năm 2020.

Theo đánh giá của S&P Global Ratings, cuộc đình công đang khiến Boeing mất khoảng 1 tỷ USD mỗi tháng.

"Vận hạn" của Boeing chưa qua - 1
Người lao động Boeing đình công (Ảnh: Getty)

Tân CEO Kelly Ortberg cho biết việc đạt được thỏa thuận với người lao động là ưu tiên hàng đầu để đưa công ty trở lại quỹ đạo tăng trưởng sau nhiều năm vấp phải các vấn đề về an toàn và chất lượng.

"Mối quan tâm của tôi là làm sao giúp mọi người cùng nhìn về một hướng, đưa công nhân trở lại làm việc và cải thiện mối quan hệ giữa hai bên," Ortberg nói trong chương trình "Squawk on the Street" của CNBC.

Ortberg đồng thời vạch ra tầm nhìn về tương lai của Boeing, trong đó bao gồm việc thu hẹp hoạt động kinh doanh về lĩnh vực cốt lõi. Đầu tháng này, ông thông báo Boeing sẽ cắt giảm 10% lực lượng lao động toàn cầu, tương đương 17.000 người.

Hơn 32.000 công nhân cơ khí của Boeing tại khu vực Puget Sound, bang Oregon và nhiều địa phương khác đã ngừng làm việc từ ngày 13/9 sau khi bác bỏ một thỏa thuận sơ bộ với đề xuất tăng lương 25%, thấp hơn mong muốn 40% của Công đoàn Công nhân Cơ khí và Hàng không Vũ trụ Quốc tế (IAM). Đây là cuộc đình công đầu tiên của các công nhân cơ khí kể từ năm 2008.

Thoả thuận mới nhất, được công bố vào thứ Bảy tuần trước (19/10), bao gồm mức tăng lương 35% trong bốn năm, tăng khoản đóng góp vào quỹ hưu trí, một khoản tiền thưởng trị giá 7.000 USD và nhiều cải thiện khác.

Người lao động đòi hỏi mức lương cao hơn trong bối cảnh chi phí sinh hoạt leo thang tại khu vực Puget Sound. Một số công nhân còn tỏ ra không hài lòng vì rủi ro vỡ kế hoạch lương hưu tồn tại theo hợp đồng cũ đã ký vào năm 2014 nhưng “biến mất” trong hợp đồng mới.

"Chúng tôi đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể trong thỏa thuận này. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa thoả mãn yêu cầu của các thành viên," Jon Holden, chủ tịch của IAM District 751, cho biết. Ông cho biết công đoàn sẽ nhanh chóng quay lại bàn đàm phán.

Bất đồng quan điểm với người lao động chỉ là một trong một loạt vấn đề mà Boeing đang phải đối mặt. Hồi đầu năm nay, cửa của một chiếc Boeing 737 Max 9, sản phẩm bán chạy nhất của hãng, đã bị bị thổi bay ngay giữa chuyến bay.

Việc Boeing ngừng sản xuất kéo dài cũng là thách thức đối với chuỗi cung ứng hàng không toàn cầu, vốn chưa hồi phục hoàn toàn sau đại dịch.

Tuần trước, Spirit AeroSystems cho biết họ sẽ tạm thời cho nghỉ việc khoảng 700 nhân viên. Con số này có thể tăng lên nếu cuộc đình công của công nhân cơ khí Boeing kéo dài.

Nguồn: CNBC
Tin liên quan
Canada, Trung Quốc "trả đũa" Mỹ

Canada, Trung Quốc "trả đũa" Mỹ

Nhiều biện pháp trả đũa kế hoạch thuế quan đối với Mỹ đã được công bố sau những động thái mới nhất của ông Trump.
Doanh thu Nvidia tăng gần gấp đôi trong quý III

Doanh thu Nvidia tăng gần gấp đôi trong quý III

“Ông lớn” chip bán dẫn Nvidia vừa công bố kết quả kinh doanh quý III tốt hơn kỳ vọng của giới chuyên gia nhờ vào nhu cầu mạnh mẽ của các dòng chip trí tuệ nhân tạo (AI).