Fica
  1. Quốc tế

Vắc-xin chống Covid-19: Cần phải bỏ độc quyền, thúc đẩy đồng sáng chế

Mai Chi
Mai Chi

Theo Oxfam, chi phí cung cấp vắc-xin Covid-19 cho một nửa dân số nghèo nhất thế giới thấp hơn lợi nhuận trong bốn tháng của các hãng dược lớn.

Chi phí vắc-xin cho một nửa dân số nghèo nhất thế giới (3,7 tỷ người) để ngừa virus corona có thể ít hơn lợi nhuận của 10 hãng dược lớn nhất trong vòng 4 tháng, tổ chức Oxfam cho biết trong một thông báo vừa công bố ít ngày gần đây.

Ảnh minh hoạ


Quỹ Gates ước tính chi phí mua sắm và chuyển giao vắc xin an toàn và hiệu quả cho những người nghèo nhất thế giới vào khoảng 25 tỷ đô la Mỹ. Năm ngoái, mười hãng dược lớn nhất có lợi nhuận là 89 tỷ đô la – trung bình gần 30 tỷ đô la chỉ trong bốn tháng.Trước thềm Kỳ họp Đại Hội đồng Y tế Thế giới diễn ra trong tuần này, Oxfam hối thúc các chính phủ và hãng dược đảm bảo vắc-xin, bộ xét nghiệm và điều trị sẽ không được bảo hộ độc quyền sáng chế và được cung cấp công bằng đến tất cả các quốc gia và người dân. Kỳ họp trực tuyến sẽ diễn ra trong hôm nay (ngày 18 tháng 5), với sự tham dự của đại diện Bộ Y tế từ 194 nước.   

Oxfam cảnh báo rằng các nước giàu và các hãng dược lớn – vì lợi ích riêng của mình – có thể khiến nhóm người dân yếu thế không thể hoặc chậm được tiếp cận vắc-xin Covid, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. 

Trong dự thảo Nghị quyết gửi Kỳ họp Đại Hội đồng Y tế Thế giới, Liên minh Châu Âu đã đề xuất kêu gọi đồng sáng chế mang tính tự nguyện cho vắc-xin ngừa Covid, bộ xét nghiệm và thuốc điều trị. Nếu đề xuất này trở thành bắt buộc và được áp dụng toàn cầu, thì tất cả các nước sẽ có thể sản xuất, hoặc nhập khẩu vắc-xin, bộ xét nghiệm và thuốc điều trị với chi phí thấp.

Tuy nhiên, các tài liệu rò rỉ cho thấy đang có những nỗ lực nhằm loại bỏ các đề xuất về đồng sáng chế và nhấn mạnh việc tôn trọng độc quyền sáng chế của các công ty dược. Điều đó sẽ giúp các công ty này có thể độc quyền sản xuất và định giá bất kỳ loại vắc-xin, phương pháp điều trị và bộ xét nghiệm - mặc dù có thể tiền thuế do người dân đóng góp đang được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và phát triển của các công ty dược.    

Ông Jose Maria Vera, Quyền Giám đốc Điều hành của tổ chức Oxfam Quốc tế cho rằng: “Chi phí cung cấp vắc-xin cho 3,7 tỷ người còn thấp hơn lợi nhuận trong bốn tháng của 10 hãng dược lớn nhất. Không đảm bảo được quyền tiếp cận vắc-xin miễn phí cho mọi người là một điều đáng xấu hổ”.

“Vắc-xin, bộ xét nghiệm và thuốc điều trị nên được cung cấp theo nhu cầu, chứ không phải qua đấu giá. Chúng ta cần vắc-xin, bộ xét nghiệm và thuốc điều trị an toàn và không bảo hộ độc quyền được sản xuất đồng loạt trên toàn cầu, kèm theo một kế hoạch phân bổ công bằng và minh bạch”.

Một khi vắc-xin và thuốc điều trị được sản xuất, sẽ xảy ra nguy cơ cao là các nước giàu có và hùng mạnh sẽ thắng thầu và các nước nghèo sẽ phải đợi, như họ đã làm trong cuộc cạnh tranh các thiết bị y tế thiết yếu khác như đồ bảo hộ và máy thở ô-xy.

Tháng 3 vừa qua, hãng dược Gilead đã chuyển hướng mở rộng độc quyền đối với một loại thuốc điều trị Covid tiềm năng, và chỉ từ bỏ sau khi vấp phải sự phản đối của công chúng. Gilead hiện nay đã viện trợ phần lớn nguồn cung cấp thuốc remdesivir cho chính phủ Mỹ.

Tuy nhiên các báo cáo tin tức cho rằng công ty này có thể kiếm lợi đáng kể từ việc sản xuất thuốc tiếp theo. Các nhà phân tích phố Wall cho rằng Gilead tính chi phí điều trị với giá cao hơn 4.000 đô la Mỹ cho mỗi bệnh nhân, mặc dù giá thành sản xuất thuốc chỉ vào khoảng 9 đô la cho mỗi người.

Rất nhiều nước nghèo không thể tiếp cận được các vắc-xin và thuốc điều trị, do các quy định về bằng sáng chế cho phép các hãng dược độc quyền và có quyền định giá cao hơn khả năng chi trả của người bệnh. Bệnh viêm phổi là sát thủ nguy hiểm nhất đối với trẻ em dưới 5 tuổi, cướp đi 2.000 mạng sống mỗi ngày.

Trong hơn một thập kỉ, hàng triệu trẻ em không được tiêm vắc-xin do hãng dược Pfizer và GlaxoSmithKline định giá quá cao. Sau nhiều năm đấu tranh của tổ chức Thầy thuốc Không Biên giới, cả hai hãng đã giảm giá bán vào năm 2016, tuy nhiên chỉ giảm cho những nước nghèo nhất, khiến hàng triệu trẻ em vẫn không thể tiếp cận được vắc xin.

Do vậy, Oxfam đề xuất một kế hoạch toàn cầu gồm bốn điểm chính, trong đó kêu gọi:

Thứ nhất, bắt buộc chia sẻ toàn bộ mọi tri thức, dữ liệu và sở hữu trí tuệ về Covid-19, và cam kết các khoản đầu tư công cho hoạt động nghiên cứu thuốc điều trị hoặc vắc-xin Covid sẽ bao gồm điều kiện không cấp bằng sáng chế độc quyền và tất cả mọi người đều có thể tiếp cận.

Thứ hai, cam kết tăng cường khả năng sản xuất và phân phối vắc-xin bổ sung trên phạm vi toàn cầu với sự tài trợ từ các nước giàu. Điều này bao gồm việc xây dựng các nhà máy tại các quốc gia sẵn sàng chia sẻ và đầu tư ngay từ bây giờ để bổ sung hàng triệu nhân viên y tế tham gia phòng chống, chữa trị và chăm sóc các bệnh nhân trong hiện tại và tương lai.

Thứ ba, thống nhất một kế hoạch phân phối công bằng trên toàn cầu. Đảm bảo vắc-xin với mức giá thấp có lợi cho các nước nghèo và được phân phối dựa trên nhu cầu mà không phụ thuộc vào khả năng chi trả. Vắc-xin, thuốc điều trị và bộ xét nghiệm cần được sản xuất và chuyển giao tới chính phủ tất cả các nước, lý tưởng với giá không quá 2 đô la một liều vắc-xin. Tại các điểm điều trị, tất cả mọi người có nhu cầu đều có thể tiếp cận miễn phí.  

Cuối cùng là cam kết cải tổ hệ thống nghiên cứu và phát triển thuốc điều trị mới. Hệ thống hiện nay đặt lợi nhuận của các hãng dược phẩm lên trên sức khỏe người dân bởi rất nhiều loại thuốc lợi nhuận thấp không bao giờ được sản xuất, trong khi nhiều loại thuốc điều trị khác có giá vượt quá khả năng chi trả của những nước nghèo.

Ông Vera nhấn mạnh “Cung cấp vắc-xin với giá cả phải chăng cho tất cả mọi người sẽ cần tới sự hợp tác toàn cầu chưa từng có tiền lệ. Các chính phủ cần dỡ bỏ những quy định không phù hợp và đặt ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người lên trên việc bảo hộ độc quyền sáng chế và lợi nhuận của các tập đoàn dược. Các chính phủ phải đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau”.

Mai Chi