Theo tuyên bố từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc hôm 27/8, nước này đã ngừng nhập khẩu thịt bò từ lò mổ thứ 5 của Úc thuộc công ty John Dee Warwick do phát hiện các lô hàng thịt thăn bò chứa chất chloramphenicol - một chất bị cấm ở cả Trung Quốc và Úc.
Chloramphenicol là một loại kháng sinh có độc tính cao, bị liệt vào danh sách chất cấm sử dụng trong nuôi trồng, chế biến và bảo quản các loại thực phẩm.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy chloramphenicol có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe người dùng như gây ra ung thư. Ảnh: Getty
Tính đến nay, Trung Quốc ngừng nhập khẩu thịt bò từ 5 lò mổ lớn ở Úc. Bắc Kinh yêu cầu Canberra xác minh sự việc trên và phản hồi lại trong 45 ngày.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Triệu Lập Kiên hôm 28/8 cho biết, lệnh dừng nhập thịt bò từ công ty Úc là trường hợp riêng rẽ và không liên quan gì tới quan hệ hai nước.
Phía Úc hiện chưa bình luận về thông tin.
Động thái mới này của Trung Quốc diễn ra ngay sau khi Thủ tướng Úc Morrison đang nỗ lực trong việc hợp pháp hóa quyền phủ quyết hoặc hủy bỏ của chính phủ Úc với các thỏa thuận mà chính quyền các bang đã từng ký kết.
Theo ông Morrison, vào tuần tới, một dự luật mới sẽ được đề xuất cho phép chính phủ hủy bỏ các thỏa thuận mà chính quyền bang hoặc vùng lãnh thổ ở Úc ký với quốc gia nước ngoài, nếu các thỏa thuận này đi ngược lại chính sách đối ngoại của Úc và làm tổn hại lợi ích quốc gia.
Ông Morrison nói rằng dự luật đang được đề xuất sẽ đảm bảo mọi cấp chính quyền tại Úc sẽ hành động một cách nhất quán để bảo vệ lợi ích quốc gia. Ảnh: SCMP
Một trong những thỏa thuận có thể bị hủy bỏ theo luật mới là thỏa thuận nằm trong Sáng kiến “Vành đai, con đường” mà Trung Quốc ký với bang Victoria vào hồi tháng 10/2019. Theo các điều khoản của thỏa thuận, các công ty Trung Quốc sẽ được cấp phép đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở bang Victoria.
Thủ tướng Morrison từng tuyên bố rằng chính phủ của ông không ủng hộ động thái của bang này. Một số nước phương Tây cáo buộc sáng kiến của Trung Quốc là “bẫy nợ”, điều mà Bắc Kinh đã bác bỏ.
Một khi luật mới có hiệu lực, Ngoại trưởng Úc có thể hủy bỏ bất kỳ thỏa thuận nào của chính quyền ký với nước ngoài. Nếu đối tác nước ngoài muốn đàm phán lại, chính quyền liên bang Úc sẽ đảm nhận trách nhiệm.
Theo luật hiện hành, chính quyền các bang ở Úc có quyền ký thỏa thuận mà thậm chí không cần phải thông báo với chính phủ.
Quan hệ Úc - Trung Quốc gặp thử thách trong những năm gần đây khi các mối quan ngại về an ninh quốc gia đã vượt lên trên cân nhắc về lợi ích kinh tế. Canberra, đồng minh quan trọng của Washington, thông qua luật chống nước ngoài can thiệp, cấm Huawei cung cấp thiết bị cho mạng 5G.
“Vành đai, con đường” là sáng kiến của Trung Quốc nhằm đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng để kết nối các quốc gia châu Phi, châu Á và châu Âu, thiết lập một “Con đường tơ lụa” thời hiện đại.
Hương Vũ
Theo Daily Mail, CGTN