Fica
  1. Quốc tế

Tuyên bố tăng lãi suất và phát biểu của Chủ tịch Fed mang đến điều gì?

Quỳnh Ngọc
Quỳnh Ngọc

Việc Fed tăng lãi suất đều đã được dự đoán từ trước. Tuy nhiên việc tăng lãi suất nhanh chóng sẽ khiến cho nền kinh tế rung lắc dữ dội.

Fed đã tăng lãi suất đúng như kỳ vọng trước đó

Theo chuyên trang CME group, có 2 kịch bản tăng lãi suất quỹ liên bang mà thị trường đánh giá có thể xảy ra đó là 100 điểm phần trăm (bps) và 75 bps - trong đó hơn 70% tỷ lệ đánh giá rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 75 bps.

Sau 2 ngày họp, hôm qua (21/9), Fed đã chính thức công bố tăng lãi suất lên thêm 75 bps, đưa phạm vi lãi suất liên bang lên mức 3% - 3,25% để thực hiện 2 mục tiêu chính trong dài hạn đó là toàn dụng lao động (cân bằng giữa cung và cầu) và đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%.

CÔNG BỐ LÃI SUẤT CỦA FOMC VÀ PHÁT BIỂU CỦA CHỦ TỊCH FED POWELL SẼ ĐEM ĐẾN ĐIỀU GÌ? - 1

Ngoài ra, biểu đồ dot plot của Fed hôm qua cũng cho ra kết quả mới so với biểu đồ đã công bố trước đó vào tháng 6, khi mà lãi suất trong năm nay dự kiến ở mức 4,5% - 4,75% (cao hơn 1% so với mức 3,25% - 3,5% trước đó). Điều đó cho thấy Fed sẽ tiếp tục mạnh tay hơn để kiểm soát lạm phát bất chấp phải đánh đổi bằng suy thoái - đúng như những gì mà Chủ tịch Fed Powell đã phát biểu trước đó trong Jackson Hole.

Điều gì đang chờ đón phía trước?

Trong phát biểu mới nhất, Chủ tịch Fed đã đưa ra lập luận rằng nền kinh tế Mỹ vẫn đủ khỏe mạnh để có thể chịu được thêm những đợt tăng lãi suất mới cho đến năm 2023. Ba chỉ báo chính mà Fed chú ý bao gồm CPI thống kê hàng tháng, chỉ số liên quan tới thất nghiệp (bảng lương phi nông nghiệp) và cuối cùng là bộ chỉ số liên quan tới thị trường nhà đất (lượng công trình xây mới, nộp đơn, hoãn bán hay giá cho thuê).

Việc tăng lãi suất lên mức cao bất chấp điều này đã được dự đoán và đưa ra lộ trình từ trước sẽ tác động rất nhiều tới sự phát triển của nền kinh tế.

CÔNG BỐ LÃI SUẤT CỦA FOMC VÀ PHÁT BIỂU CỦA CHỦ TỊCH FED POWELL SẼ ĐEM ĐẾN ĐIỀU GÌ? - 2

Trước hết, việc tăng lãi suất sẽ khiến chi phí đi vay của toàn nền kinh tế tăng lên, qua đó khiến dòng vốn đầu tư chảy vào các lĩnh vực chậm lại - giảm tốc nền kinh tế. Ngoài ra, việc tăng trưởng lợi nhuận giảm nhanh chóng khiến cho khó có thể hỗ trợ được chi trả cho việc chi phí cho các khoản vay nhích dần (vay qua các tài sản chứng khoán hóa hoặc vay qua các định chế tài chính như ngân hàng hay tổ chức tín dụng).

Các chiến lược gia UBS nói rằng tỷ lệ vỡ nợ doanh nghiệp tại Mỹ có thể tăng lên 5% hoặc 6% trong nửa đầu năm sau, từ mức 1,5% trong tháng trước.

Thị trường trái phiếu rác tại vẫn hoạt động mạnh mẽ với mức phân bổ rủi ro trung bình ở mức 4,83%, thấp hơn trung bình 20 năm tại 5,1%. Hoạt động thắt chặt đã bắt đầu có tác động lên các doanh nghiệp hoạt động yếu tại Mỹ, với 6 công ty đã tuyên bố vỡ nợ trong tháng trước.

CÔNG BỐ LÃI SUẤT CỦA FOMC VÀ PHÁT BIỂU CỦA CHỦ TỊCH FED POWELL SẼ ĐEM ĐẾN ĐIỀU GÌ? - 3

Ngoài ra, việc tăng lãi suất cũng khiến cho tâm lý e dè của giới đầu tư đối với các loại tài sản rủi ro như chứng khoán hay tiền điện tử tăng lên đáng kể (lãi suất tăng sẽ chiết khấu giá trị các loại tài sản này xuống mức hợp lý).

Ngay sau khi Fed công bố nâng lãi suất, chứng khoán Mỹ với các chỉ số chính  bị quét bay gần 2% giá trị vốn hóa toàn thị trường. Bên cạnh đó, vàng, bitcoin hay hợp đồng tương lai dầu cũng ghi nhận mức giảm tương đối - tiếp tục quá trình dò đáy khi xu hướng trung hạn là giảm.

CÔNG BỐ LÃI SUẤT CỦA FOMC VÀ PHÁT BIỂU CỦA CHỦ TỊCH FED POWELL SẼ ĐEM ĐẾN ĐIỀU GÌ? - 4

Cuối cùng, ngân hàng trung ương Mỹ tăng lãi suất góp phần khiến cho những biến động trên thị trường FX trở nên khó lường hơn. Chỉ số DXY đã tăng lên mức cao nhất trong 11 năm trở lại đây (111 điểm) - qua đó củng cố cho luận điểm USD vẫn sẽ là đồng tiền đóng vai trò chi phối mạnh nhất trong số các đồng G7 và G20.

Ví dụ lớn nhất trong việc khó khăn đối với việc kiềm chế sức mạnh đồng USD đến từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (POBC) - khi mà ngân hàng này vừa phải hạ tỷ lệ dự trữ ngoại hối để giữ giá cho đồng nhân dân tệ, vừa phải hạ lãi suất để kích thích hồi phục nền kinh tế hậu Covid. Hay một ví dụ khác đó là phân kỳ chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Nhật Bản - khi mà nước này vẫn duy trì chính sách siêu nới lỏng khiến cho đồng yên Nhật mất giá tới 24% so với mức đầu năm.

CÔNG BỐ LÃI SUẤT CỦA FOMC VÀ PHÁT BIỂU CỦA CHỦ TỊCH FED POWELL SẼ ĐEM ĐẾN ĐIỀU GÌ? - 5

Tỷ giá trung tâm của NHNN Việt Nam vẫn duy trì quanh mốc 23.500 đồng/USD kể từ tháng 8 năm nay. Tuy nhiên biến động của tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do (thị trường giao ngay) và thị trường liên ngân hàng đã tăng lên đáng kể. Hiện USD/VND đang giao dịch ở ngưỡng 1 USD đổi 23.690 đồng - tăng hơn 200 đồng so với ngày 1/9.

Trên thị trường liên ngân hàng, BIDV đã yết giá 2 chiều mua bán của USD/VND ở mức 23.560 - 23.840 đồng/USD. Mức này cũng được áp dụng tương tự đối với Vietcombank và chênh lên một chút đối với Viettinbank - niêm yết tại 23.566- 23.846 đồng/USD.

CÔNG BỐ LÃI SUẤT CỦA FOMC VÀ PHÁT BIỂU CỦA CHỦ TỊCH FED POWELL SẼ ĐEM ĐẾN ĐIỀU GÌ? - 6

Như vậy, việc Fed tăng lãi suất đều đã được dự đoán từ trước. Tuy nhiên việc tăng lãi suất nhanh chóng sẽ khiến cho nền kinh tế rung lắc dữ dội, nhưng đây là cái giá phải đánh đổi để giúp cho nền kinh tế ổn định trở lại, giúp thị trường tài chính toàn cầu đi lên một cách lành mạnh sau 2 năm với nhiều sự kiện "thiên nga đen" diễn ra liên tiếp.

Vũ Thắng

Nguồn: Vũ Thắng
Tin liên quan