Fica
  1. Quốc tế

Từ Harvard tới sàn Nasdaq: CEO Grab đang cỡi trên “cỗ xe” SPAC lớn nhất thế giới

CEO của Grab - một ứng dụng đặt xe, gọi đồ ăn và thanh toán phổ biến nhất tại Đông Nam Á - luôn quyết tâm giành chiến thắng, từ việc trở thành công ty khởi nghiệp được tài trợ tốt nhất trong khu vực cho đến đánh bại gã khổng lồ Uber.

Ông Anthony Tan - CEO của Grab (Ảnh: Reuters)

Hôm qua, ông Anthony Tan đã lập một kỷ lục khác khi Grab Holdings đồng ý niêm yết trên sàn Nasdaq thông qua thương vụ sáp nhập với công ty mua lại với mục đích đặc biệt (SPAC) do Altimeter Growth Corp hậu thuẫn với giá 39,6 tỷ USD.

Đây là thương vụ sáp nhập lớn nhất thế giới liên quan đến cái gọi là công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC). Việc huy động được 4 tỷ USD từ các nhà đầu tư toàn cầu cũng được coi là đợt chào bán cổ phần lớn nhất từ trước tới nay tại Mỹ của một công ty Đông Nam Á.

Chua Kee Lock, CEO của quỹ đầu tư mạo hiểm Vertex có trụ sở tại Singapore - một nhà đầu tư ban đầu của Grab - đánh giá: “Ông Anthony tập trung vào những việc cần làm và ông đang thực hiện tốt việc đó”.

Các thoả thuận mang tính chiến lược của vị CEO 39 tuổi này nhằm mở rộng hơn nữa thị trường của khu vực có nền kinh tế số được ước tính gấp 3 lần lên mức 309 tỷ USD vào năm 2025.

Usman Akhtar, người đứng đầu khu vực Đông Nam Á của Bain & Co., cho biết: “Đây có thể là một tiền lệ được đặt ra không nhất thiết chỉ từ quan điểm của chính các công ty khởi nghiệp mà còn từ các nhà đầu tư toàn cầu là để mắt đến các cơ hội ở Đông Nam Á”.

Tan và người đồng sáng lập Tan Hooi Ling đã tạo ra Grab từ một dự án cạnh tranh mạo hiểm tại trường đại học Harvard vào năm 2011. Sau đó, họ đã ra mắt ứng dụng đặt xe tại Malaysia vào tháng 6/2012 và triển khai ra các thị trường trong khu vực. Grab hiện đang có mặt ở hầu hết các nước Đông Nam Á, phục vụ hơn 187 triệu người dùng tại hơn 350 thành phố tại 8 quốc gia.

Mặc dù là con của một trong những gia đình giàu có nhất Malaysia, song Tan vẫn quyết tâm trở thành một doanh nhân. Quyết tâm đó đã giúp ông chiến thắng Uber sau cuộc chiến 5 năm đầy tốn kém. Uber đã rời khỏi Đông Nam Á vào năm 2018 bằng cách bán hoạt động kinh doanh cho Grab và trở thành cổ đông của Grab.

Thỏa thuận này cũng đặt nền móng cho hoạt động kinh doanh giao đồ ăn của Grab, trở thành phân khúc lớn nhất của hãng, khi “cơn sốt” đặt đồ ăn và mua hàng tạp hóa trực tuyến bùng nổ vào năm ngoái.

Tuy vậy, đại dịch Covid -19 cũng đã đẩy Grab vào cuộc khủng hoảng lớn nhất sau khi nhu cầu về dịch vụ gọi xe giảm mạnh, buộc hãng phải sa thải khoảng 5% nhân viên.

Tuy vậy, tổng giá trị giao dịch hàng hoá (GMV) của Grab trong năm 2020 đạt khoảng 12,5 tỷ USD, vượt qua mức trước đại dịch và tăng hơn gấp đôi so với năm 2018.

 

Nhật Linh

Theo Reuters