Trưởng đặc khu Hồng Kông - bà Carrie Lam. Ảnh: SCMP
Tokyo mới đây cho biết sẽ ra lệnh cho các ngân hàng nội địa hiện đang hoạt động tại Mỹ phải tuân thủ các lệnh trừng phạt do Washington đề ra đối với bà Carrie Lam - Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông.
Tuyên bố trên của Tokyo cũng đồng nghĩa với việc các ngân hàng Nhật Bản đang có hoạt động tại Mỹ sẽ không được phép cung cấp, hay thực hiện bất cứ giao dịch thay mặt bà Lam.
"Chính phủ yêu cầu các tập đoàn tài chính và các ngân hàng Nhật Bản đang có văn phòng tại nước ngoài nên nhìn nhận được thực tế về việc luật và các quy định liên quan đến biện pháp trừng phạt tại nước sở tại có thể nghiêm ngặt hơn nhiều so với trong nước" - người phát ngôn của Chính phủ Nhật Bản nhấn mạnh khi đưa ra tuyên bố sau cuộc họp nội các Chính phủ.
Sau tuyên bố trên, ngay cả khi vị Trưởng đặc khu Hồng Kông có tài khoản và thẻ tín dụng tại các ngân hàng Nhật Bản có văn phòng tại Mỹ thì những tài khoản trên sẽ bị "đóng băng" và khóa thẻ tín dụng theo quy định của nước này.
Hơn nữa, bà Lam cũng không có quyền mở tài khoản mới đối với các tổ chức tài chính trên. Tuy nhiên, người phát ngôn của chính phủ Nhật Bản cũng không hề đề cập gì đến việc hạn chế đi lại đối với bà Lam.
"Theo tuyên bố, những lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ tự động được áp dụng tại Nhật Bản" - ông Jin Matsubara - một thành viên Quốc hội Nhật Bản nhận định.
Chia sẻ thêm với SCMP, ông Matsubara cho biết: "Ngoài bà Carrie Lam, một số quan chức nhà nước Trung Quốc khác trong danh sách hạn chế của Mỹ cũng sẽ bị đóng băng tài khoản tại các ngân hàng thuộc Nhật Bản. Điều này gây nên nhiều khó khăn cho họ khi muốn bán bất động sản tư tại Nhật Bản".
Tuy nhiên, thành viên của Quốc hội Nhật Bản cũng bày tỏ lo ngại cho rằng, động thái này của chính phủ Nhật Bản sẽ khiến giới cầm quyền Bắc Kinh khó chịu. "Điều này có thể khiến giới lãnh đạo Trung Quốc, những người có thể đang đầu tư vào Nhật Bản, cảm thấy tức giận", ông nói.
Nếu những vấn đề mà ông Matsubara đề cập trên xảy ra, sự việc này có thể thúc đẩy các đảng viên Trung Quốc sớm dịch chuyển tài sản của họ ra khỏi Nhật Bản. Đến nay, giới chức Nhật Bản vẫn chưa xác định được bà Carrie Lam có sở hữu tài khoản nào tại các ngân hàng Nhật Bản hay không.
Bà Carrie Lam trả lời phỏng vấn trên kênh Hong Kong International Business hôm 27/11. Ảnh: Getty
Vào hôm 27/11 vừa qua, khi trả lời truyền thông Hồng Kông, bà Lam từng chia sẻ: "Trước mặt quý vị là trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông, người hiện không được sử dụng các dịch vụ ngân hàng. Tôi dùng tiền mặt để chi tiêu mọi thứ. Tôi có cả đống tiền mặt ở nhà. Chính quyền trả lương bằng tiền mặt cho tôi vì tôi không có tài khoản ngân hàng", bà Lam nói.
Theo nguồn tin, bà Lam có thu nhập khoảng 672.000 USD/năm và là một trong số các chính khách được trả lương cao nhất thế giới.
Hồi tháng 8, Bộ Tài chính Mỹ đưa bà Carrie Lam và 14 quan chức chính quyền Hồng Kông vào danh sách trừng phạt vì "làm suy yếu quyền tự trị của đặc khu Hồng Kông" ngay sau khi Trung Quốc áp luật an ninh mới với đặc khu Hồng Kông. Theo đó, Mỹ đóng bằng tài sản của các quan chức này tại Mỹ và chặn các giao dịch tài chính của họ trên đất Mỹ.
Ngay sau khi Mỹ ra tuyên bố, các ngân hàng quốc doanh lớn của Trung Quốc hoạt động tại Hồng Kông buộc phải tuân thủ những biện pháp cấm vận của Mỹ để đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn USD và các mạng lưới vốn nước ngoài. Nếu mở tài khoản cho bà Carrie Lam, các ngân hàng này có thể mất quyền tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ.
Hồi tháng 8, Bloomberg đưa tin một loạt ngân hàng lớn của Trung Quốc như Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Chiêu thương Trung Quốc đều tỏ ra thận trọng, không mở tài khoản mới cho các quan chức Hồng Kông bị cấm vận, bao gồm bà Carrie Lam. Các ngân hàng này có văn phòng tại Mỹ.
Hương Vũ
Theo SCMP