Fica
  1. Quốc tế

Trung Quốc vẫn “thất hứa” trong việc mua hàng Mỹ theo thoả thuận

Quỳnh Ngọc
Quỳnh Ngọc

Mặc dù thoả thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã bước sang năm thứ 2, song theo Viện kinh tế Quốc tế Peterson, việc mua hàng của Trung Quốc vẫn thiếu so với số lượng thoả thuận.

Việc mua hàng hoá Mỹ của Trung Quốc mới chỉ đạt được 73% so với mức cam kết hàng năm tính đến tháng 4. (Ảnh: Reuters)

Tháng 1/2020, Mỹ và Trung Quốc đã ký thoả thuận thương mại giai đoạn 1 chỉ vài tuần trước khi Covid-19 bắt đầu lây lan nhanh ở Trung Quốc và sau đó trở thành đại dịch trên toàn cầu. Theo thoả thuận, trong vòng 2 năm, Trung Quốc phải mua thêm ít nhất là 200 tỷ USD hàng hoá Mỹ so với mức năm 2017.

Viện Peterson tính toán, để thực hiện cam kết này, Trung Quốc sẽ phải mua 64,5 tỷ USD hàng hoá Mỹ trong 4 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy, việc mua hàng hoá Mỹ của Trung Quốc mới chỉ đạt được 73% so với mức cam kết hàng năm tính đến tháng 4. Nếu so với dữ liệu của Mỹ, thậm chí con số này mới chỉ đạt 60%.

Theo danh mục thì hàng nông sản đạt gần so với mục tiêu hàng năm, tức ở mức 79% theo dữ liệu của Mỹ và 87% theo dữ liệu của Trung Quốc.

Thoả thuận sẽ kết thúc vào tháng 12 năm nay. Tuy nhiên, năm ngoái, việc mua hàng hoá Mỹ của Trung Quốc đã giảm hơn 40%, theo Viện nghiên cứu Peterson.

Các cuộc đàm phán về thương mại giữa hai nước đã bị đình hoãn. Đại diện của cả hai nước dự kiến tổ chức một cuộc họp đánh giá việc tuân thủ thoả thuận 6 tháng vào tháng 8, nhưng cuộc họp đã bị hoãn lại.

Hai bên đã đạt được thỏa thuận giai đoạn 1 sau khi căng thẳng thương mại leo thang dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - người đã tìm cách giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, khoảng cách thương mại đó vẫn tăng lên trong bối cảnh đại dịch, khi Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều hàng hóa hơn.

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức vào tháng 1, chính quyền của ông đã giữ lập trường cứng rắn của Trump đối với Trung Quốc mà không có dấu hiệu nào về những thay đổi đối với thuế quan hoặc thỏa thuận thương mại trong tương lai gần.

Nhật Linh

Theo CNBC