Fica
  1. Quốc tế

Trung Quốc "tranh phần" tại Bắc Cực

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ tham vọng tại Bắc Cực, trong đó có việc mở tuyến đường biển xuyên Bắc Cực, còn gọi là "Con đường tơ lụa trên băng".

Trung Quốc tranh phần tại Bắc Cực - 1

Tàu phá băng Rồng Tuyết của Trung Quốc tại vùng biển Bắc Cực (Ảnh: Reuters).

Sau sự cố siêu tàu hàng Ever Given mắc kẹt tại kênh đào Suez - một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới - thế giới bắt đầu chú ý hơn tới "Tuyến đường xuyên Bắc Cực" (còn gọi là Tuyến đường Xuyên cực) mà Trung Quốc đang ấp ủ.

Cuộc khủng hoảng trên kênh đào Suez gần đây là một bài học lớn, một lần nữa nhắc nhở thế giới về tầm quan trọng của những đoạn đường biển chiến lược - huyết mạch của nền kinh tế toàn cầu.

Không chỉ riêng Suez, thế giới còn có những tuyến đường biển chiến lược như: kênh đào Panama, eo biển Gibraltar, eo biển Hormuz. Và cả những tuyến đường quan trọng khác nhưng ít được nhắc đến: eo biển Molucca, eo biển Thổ Nhĩ Kỳ, Bab el-Mandeb và eo biển Lombok… Vì tính chất quan trọng, mục tiêu cốt lõi của bất kỳ quốc gia nào phụ thuộc vào thương mại đường biển là đảm bảo các tuyến đường đó không gặp sự cố hay tắc nghẽn.

Nhưng thực tế luôn khắc nghiệt. Sự cố ở Suez cho thấy, giao thông qua các tuyến đường chiến lược này luôn rình rập nhiều nguy cơ. Viễn cảnh một tàu container hoặc tàu chở dầu gặp sự cố, gây gián đoạn một trong những tuyến đường này luôn hiện hữu. Nhưng mối nguy hiểm thực sự khiến các công ty bảo hiểm hàng hải và các nhà hoạch định chiến lược hải quân phải trăn trở nhất là viễn cảnh các nước nắm quyền quyết định đóng các tuyến đường này khi xảy chiến tranh hoặc cuộc xung đột lợi ích. Và theo các chuyên gia, nếu bất kỳ tuyến đường chiến lược nào buộc phải đóng cửa vì chiến tranh, hậu quả thật sự rất khốc liệt.

Hiện tại, hầu hết giao dịch thương mại của Trung Quốc với Trung Đông, châu Phi và châu Âu phải đi qua ít nhất 2 trong số các tuyến đường hàng hải chiến lược của thế giới. Tuyến đường đến Vịnh Péc-xích cũng phải quá cảnh qua eo biển Malacca và eo biển Hormuz. Tại mỗi điểm này, các nước nắm quyền kiểm soát có quyền không cho các tàu đi qua vì nhiều nguyên nhân.

Nhận thức được lỗ hổng chiến lược đó, Bắc Kinh đã tìm kiếm các giải pháp thay thế. Cách tiếp cận khả thi là đầu tư vào các tuyến thương mại đường bộ thay thế thông qua sáng kiến "Vành đai, con đường". Bắc Kinh cũng đang nỗ lực xây dựng đường ống và cơ sở hạ tầng giao thông nối cảng Gwadar của Pakistan với miền Tây Trung Quốc. Trung Quốc thậm chí đã đề xuất xây dựng một kênh đào qua eo đất Kra ở Thái Lan với mục đích đi qua eo biển Molucca. Cuối cùng, Bắc Kinh đã tăng quy mô, năng lực và tầm hoạt động của lực lượng hải quân và phát triển "Chuỗi ngọc trai" - một mạng lưới các cơ sở quân sự và thương mại kéo dài từ Trung Quốc đến cảng Sudan ở Sừng châu Phi - nhằm đảm bảo giao thương của họ đi qua khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Nhưng có lẽ cách tiếp cận đầy tham vọng nhất là tìm kiếm tuyến đường đến châu Âu mà có thể tránh được tất cả các tuyến hàng hải quan trọng khác. Tuyến đường này, theo đúng nghĩa đen là chạy ngang qua đỉnh thế giới, là "Tuyến đường Xuyên Bắc Cực" nối từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương qua trung tâm của Bắc Băng Dương, đi qua gần Bắc Cực. Mặc dù hiện tại chỉ có tàu phá băng hạng nặng có thể di chuyển qua đây nhưng ước tính, vào năm 2030, các tàu thương mại có thể đi qua đây. Một tuyến đường như vậy chắc chắn có lợi thế thương mại hấp dẫn, thu hút nhiều tàu thuyền qua lại và có khả năng trở thành tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới.

Trước những mối lo ngại đó, nhất là sau sự cố ở kênh đào Suez, thế giới bắt đầu chú ý đến những chính sách của Trung Quốc ở Bắc Cực. Vào tháng 1/2018, Bắc Kinh công bố Sách trắng Bắc Cực đầu tiên với tiêu đề "Chính sách Bắc Cực", trong đó tự nhận là một quốc gia "cận Bắc Cực". Trong Sách trắng, Bắc Kinh tiếp tục nhấn mạnh quyết tâm tiến đến Bắc Cực, thăm dò và khai thác tài nguyên trong khu vực, cũng như đóng vai trò lớn hơn trong các diễn đàn khu vực. Nói một cách đơn giản, Bắc Kinh muốn thể hiện mình là một bên liên quan chính, và cần có vai trò tích cực trong các vấn đề ở khu vực này, hoàn thành "Sứ mệnh Bắc Cực".

Nhưng tham vọng của Bắc Cực không chỉ dừng lại ở đó, bởi đây là khu vực giàu dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác. Khi băng tan, việc tiếp cận khai thác nguồn tài nguyên này sẽ dễ dàng hơn. Bắc Kinh nhìn thấy cả cơ hội thương mại và chiến lược ở Bắc Cực và đang tận dụng triệt để.

Với Bắc Cực, Trung Quốc còn một mục tiêu khác quan trọng không kém: thiết lập tuyến hàng hải "ít bị tổn thương" hơn so với các tuyến đường chiến lược hiện nay.

Theo các chuyên gia, chỉ có thời gian mới trả lời được rằng liệu tuyến đường này có khả thi hay không. Nhưng hiện tại, sau sự cố ở Suez, Bắc Kinh đang đánh cược gấp đôi nỗ lực vào dự án này.

Thanh Thành

Theo National Interest

Tin liên quan