Fica
  1. Quốc tế

Trung Quốc thất hứa khi "bỏ rơi" các dự án đầu tư tại Philippines?

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Giới truyền thông quốc tế gần đây ồ ạt đưa tin về một thực trạng xảy ra tại Philippines liên quan tới những cam kết đầu tư từ chính phủ Trung Quốc. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra về số phận của những dự án cho đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy tờ. >> Trung Quốc tặng tàu tuần tra, súng phóng lựu cho Philippines >> Philippines "dài cổ" chờ 24 tỉ USD cam kết đầu tư của Trung Quốc

 

Chủ tịch Tập Cận Bình đón Tổng thống Duterte tại Bắc Kinh năm 2016 (Ảnh: AFP)

Chủ tịch Tập Cận Bình đón Tổng thống Duterte tại Bắc Kinh năm 2016 (Ảnh: AFP)

Nhân chuyến thăm của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tới Trung Quốc vào tháng 10/2016, Bắc Kinh đã đưa ra cam kết trị giá 24 tỷ USD cho Manila, bao gồm 15 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) và 9 tỷ USD viện trợ, trong nhiều lĩnh vực trọng điểm như đường sắt, cảng, năng lượng và khai khoáng. Tuy vậy, những cam kết này cho đến nay gần như vẫn chưa được hiện thực hóa dù 2 năm đã trôi qua.

Giới truyền thông cũng ngầm đề cập tới quyết định của Philippines khi chấp nhận “nhượng bộ” Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông để đổi lấy các khoản đầu tư từ Bắc Kinh. Thậm chí, chính quyền Tổng thống Duterte được cho là đã từ bỏ lập trường trước đây của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc tại tòa trọng tài quốc tế ở Hà Lan, trong đó phán quyết của tòa bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Sau khi Tổng thống Duterte lên nắm quyền năm 2016 và chính quyền của ông được cho là mềm mỏng với Trung Quốc, Bắc Kinh đã tăng cường quân sự hóa mạnh mẽ một số đảo trên Biển Đông và dần tăng cường sự hiện diện tại vùng biển này. Tuy nhiên theo Alvin A. Camba, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Alberto Del Rosario và là thành viên của Viện nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Quốc gia Singapore, không thể kết luận việc Trung Quốc trì hoãn hoặc hủy bỏ các dự án FDI và viện trợ cho Philippines như đã hứa là toan tính chính trị của Bắc Kinh nhằm lợi dụng những nhượng bộ từ phía Manila. Thay vào đó, cần xem xét những yếu tố thực tế tác động tới hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào Philippines.

Lý do từ Philippines

Theo nhà nghiên cứu Alvin, nguyên nhân dẫn tới việc Trung Quốc hủy bỏ và trì hoãn các dự án phần lớn xuất phát từ nước chủ nhà Philippines.

Một dự án thủy điện do công ty Power China Guizhou của Trung Quốc và công ty Greenergy Development Corp của Philippines phối hợp thực hiện đã gặp trục trặc trong việc rút vốn vì sự thiếu ổn định liên quan tới Luật Cơ bản Bangsamoro (BBL) do Philippines thông qua gần đây. Luật này cho phép quyền tự trị đối với các khu vực Hồi giáo ở phía nam Philippines. Theo đó, tất cả dự án đầu tư lớn tại tỉnh Mindanao phía nam Philippines đều bị hoãn lại do các nhà đầu tư vẫn cần thời gian cân nhắc thêm các tác động đối với họ.

Một đề xuất trị giá 780 triệu USD từ Trung Quốc nhằm nâng cấp 4 hòn đảo tại Davao đã trở nên bất khả thi sau khi cuộc nghiên cứu kéo dài suốt một năm cho thấy những tổn thất to lớn về kinh tế, môi trường, xã hội do dự án này mang lại cho Philippines. Theo đó, chính quyền địa phương đã quyết định hủy dự án này.

Một thỏa thuận giữa Global Ferronickel, nhà sản xuất quặng nikel lớn thứ ba tại Philippines, và Baiyin Nonferrous Group, đơn vị cung cấp đồng Trung Quốc, đã bị tạm dừng sau khi Philippines công bố lệnh cấm các dự án khai thác mỏ mới. Lệnh cấm kéo dài 6 năm áp dụng đối với các dự án khai thác mỏ quy mô lớn đã ngăn cản các công ty nước ngoài đầu tư vào Philippines.

Trách nhiệm từ hai phía

Người dân Philippines biểu tình yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện đường lưỡi bò. (Ảnh: EPA)

Người dân Philippines biểu tình yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện "đường lưỡi bò". (Ảnh: EPA)

Chuyên gia Alvin nhận định việc trì hoãn hay dừng các dự án có thể đến từ phía nhà đầu tư. Tuy nhiên, trừ khi nhà đầu tư đó trưng ra bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã cố tình rút lui dự án, việc truyền thông đổ lỗi cho “sự thất hứa của Bắc Kinh với Philippines chỉ là những lời đồn đoán mà không có chứng cứ xác đáng.

Cũng theo chuyên gia Alvin, truyền thông khi đưa tin về các dự án bị đình trệ của Trung Quốc đã quên mất rằng FDI và Biên bản ghi nhớ viện trợ (MOU) thường bị trì hoãn, hoặc sửa đổi, thậm chí hủy bỏ sau giai đoạn ký kết ban đầu. Và Trung Quốc không phải là trường hợp duy nhất. Chính quyền Duterte từng ký MOU trị giá 6 tỷ USD với Nhật Bản, 1,2 tỷ USD với Ấn Độ và 650 triệu USD với Ả rập Xê út và Qatar.

Dữ liệu từ ngân hàng trung ương Philippines (BSP) cho thấy sự chênh lệch rõ rệt giữa các con số cam kết và giá trị thực tiễn. Được ký từ tháng 1/2018, MOU giữa Philippines và Ấn Độ cho đến nay mới chỉ đạt 600.000 USD. MOU ký giữa Philippines với Ả rập Xê út và Qatar, trong đó giá trị cam kết lần lượt là 465 triệu USD và 175 triệu USD từ tháng 4/2017, thì nay mới chỉ đạt 3,5 triệu USD cho cả hai. Trong khi đó, cam kết từ tháng 10/2017 với Nhật Bản mới chỉ dừng ở mức 48,3 triệu USD.

Chuyên gia Alvin cho biết có một lỗi thống kê cơ bản khi truyền thông đề cập tới các cam kết đầu tư của Trung Quốc vào Philippines. Cam kết đầu tư trị giá 24 tỷ USD đang bị hiểu nhầm là FDI của riêng Trung Quốc đại lục, trong khi phần lớn FDI của Trung Quốc tại Philippines thực chất là từ Hong Kong. Nhiều doanh nghiệp theo định hướng nhà nước của Trung Quốc đã chuyển địa điểm hoặc lập chi nhánh ở Hong Kong để tận dụng môi trường tài chính tự do ở hòn đảo này. Do vậy, khi các công ty này đầu tư ra nước ngoài, các dự án của họ nên được đặt dưới tên Hong Kong, thay vì để Trung Quốc nói chung.

Chuyên gia Alvin nhận định không thể đổ lỗi cho Trung Quốc hay chính quyền Tổng thống Duterte về việc trì hoãn hay hủy bỏ các dự án đầu tư. Thay vào đó, cả hai bên cần phải chịu trách nhiệm vì đã tính toán sai các cam kết đầu tư cũng như khả năng hiện thực hóa các cam kết đó, sau đó “thổi phồng” quá mức các cam kết để tăng cường ảnh hưởng chính trị.

Thành Đạt

Theo SCMP

Tin liên quan