Fica
  1. Quốc tế

Trung Quốc sẽ phạt nặng các công ty và cá nhân “đào” tiền ảo

Quỳnh Ngọc
Quỳnh Ngọc

Khu vực Nội Mông (Trung Quốc) đang đề xuất các mức phạt đối với những công ty và cá nhân có liên quan đến việc khai thác tiền ảo.

Trung Quốc sẽ phạt nặng các hành vi khai thác tiền ảo (Ảnh: The Washington Post)

Động thái này diễn ra sau khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tuyên bố vào tuần trước rằng, Trung Quốc cần kiểm soát các hành vi khai thác và kinh doanh bitcoin nhằm ngăn chặn việc chuyển rủi ro cá nhân sang các lĩnh vực xã hội.

Tuyên bố này cho thấy ý định của Bắc Kinh trong việc tiếp tục chiến dịch 4 năm nhằm siết hoạt động giao dịch và khai thác bitcoin cũng như các loại tiền điện tử khác.

Các đề xuất mới nhất này của khu vực Nội Mông nhằm vào các doanh nghiệp viễn thông, internet đang khai thác tiền ảo.

Theo đó, Ủy ban Cải cách và Phát triển Nội Mông cho biết, các công ty này sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh nếu họ phát hiện có liên quan đến hoạt động “đào” tiền ảo. Ngoài ra, các công ty này cũng sẽ bị thu hồi dịch vụ điện toán đám mây, các trung tâm dữ liệu cũng như các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ mà họ đang được hưởng.

Bên cạnh đó, các cá nhân có liên quan đến hoạt động rửa tiền, gây quỹ thông qua tiền ảo cũng sẽ phải chịu các hình phạt nghiêm khắc.

Lập trường cứng rắn của Nội Mông đối với hoạt động khai thác tiền ảo bắt đầu diễn ra từ tháng 3 sau khi khu vực này công bố kế hoạch cấm các dự án khai thác tiền ảo mới và đóng cửa các hoạt động hiện tại nhằm giảm lượng tiêu thụ năng lượng.

Khai thác bitcoin tiêu thụ khoảng 112,57 TWh mỗi năm, nhiều hơn lượng tiêu thụ của các quốc gia như Philippines và Chile - theo Chỉ số tiêu thụ điện bitcoin của Cambridge.

Trung Quốc hiện chiếm khoảng 65% lượng khai thác bitcoin trên thế giới. Do nguồn năng lượng rẻ nên khu vực Nội Mông chiếm khoảng 8% lượng bitcoin trên toàn cầu, lớn hơn cả Mỹ.

Lập trường cứng rắn của Trung Quốc đối với tiền kỹ thuật số không phải là mới. Năm 2017, nước này đã đóng cửa các sàn giao dịch tiền ảo trong nước và cấm cái gọi là cung cấp tiền xu (ICOs). Tuy nhiên, các thương nhân vẫn tiếp tục hoạt động ở đại lục dù các sàn giao dịch đã chuyển ra nước ngoài.

Nhật Linh

Theo CNBC