Fica
  1. Quốc tế

Trung Quốc rút khỏi thỏa thuận khí đốt 5 tỷ USD với Iran

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã rút khỏi thỏa thuận khí đốt trị giá 5 tỷ USD với Iran trong bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông vẫn leo thang.

Trung Quốc rút khỏi thỏa thuận khí đốt 5 tỷ USD với Iran - 1

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) (Ảnh: AFP)

SCMP dẫn phát biểu ngày 6/10 của Bộ trưởng Dầu khí Iran Bijan Zangeneh xác nhận việc Trung Quốc đã bỏ thỏa thuận khai thác khí đốt tại mỏ South Pars của Iran. Trước đó, tập đoàn Total SA của Pháp từng rút ra khỏi thỏa thuận này sau khi Mỹ ban hành các lệnh trừng phạt Tehran.

Thỏa thuận South Pars được ký kết sau hiệp ước hạt nhân 2015 JCPOA. Tuy nhiên, sau khi Mỹ bắt đầu chiến dịch gây áp lực tối đa với việc đơn phương rút khỏi JCPOA năm ngoái, thỏa thuân trên đã gặp không ít trục trặc.

Động thái của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh họ và Mỹ đang trong cuộc thương chiến khiến 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới liên tiếp tung các đòn thuế quan với nhau.  

Ông Zangeneh không nói rõ lý do vì sao Trung Quốc rút khỏi thỏa thuận mà chỉ đơn giản thông báo về sự việc.

Phía Bắc Kinh chưa đưa ra bình luận về sự việc. Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc cũng chưa có bất cứ động thái thông báo nào.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif hôm 6/10 đã phàn nàn về chiến dịch của Mỹ nhằm gây áp lực cho Iran và tác động tới các khoản đầu tư nước ngoài vào Tehran.

“Chúng tôi đã và đang phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề liên quan tới đầu tư vì chính sách của Mỹ”, ông Zarif phát biểu, nhấn mạnh rằng Tehran đang cố gắng giải quyết các vấn đề.

Nhà phân tích chính trị Saeed Leilaz cho rằng dù Trung Quốc hủy thỏa thuận, họ vẫn sẽ là đối tác thương mại chính của Iran trong tương lai.

Ông Leilaz cho rằng một phần lớn doanh thu từ dầu mỏ trước đó từ Trung Quốc vẫn đang nằm trong Iran, cho phép Tehran có thể mua hàng hóa từ Bắc Kinh mà không phải chuyển tiền, động thái nhằm lách lệnh trừng phạt của Mỹ lên hệ thống ngân hàng Iran.

Iran hiện là quốc gia đứng thứ 2 thế giới về trữ lượng khí tự nhiên và thứ 4 thế giới về trữ lượng dầu mỏ. Hầu hết khí tự nhiên của Tehran tới từ mỏ South Pars, nơi mà Iran chia sẻ với Qatar. Kế hoạch ban đầu là xây dựng 20 giếng và 2 đầu giếng, dự án cho phép sản lượng khai thác mỗi ngày là 56 triệu m3 khí đốt.

Theo thỏa thuận được ký kết trước khi chưa bên nào rút, Total SA chiếm 50,1% cổ phần, CNPC 30% và công ty Iran Patropars chiếm 19.9%. Sau khi các bên rút hết, Patropars sẽ tự tiếp tục dự án một mình.

Đức Hoàng

Theo SCMP