Fica
  1. Quốc tế

Trung Quốc rơi vào giảm phát trong tháng 10

Đại Phú
Đại Phú

Kết quả này cho thấy nhận định của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc về xu hướng phục hồi của lạm phát sau tháng 8 có phần lạc quan thái quá.

Trung Quốc một lần nữa rơi vào giảm phát trong tháng 10. 

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng qua giảm 0,2% so với tháng 9, theo dữ liệu vừa được Cục Thống kê Trung Quốc công bố. Mức giảm thực tế thậm chí vượt dự báo giảm 0,1% của Bloomberg. Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) ghi nhận mức giảm 2,6% trong cùng giai đoạn. Đây là tháng thứ mười ba liên tiếp chỉ số trên không tăng trưởng. 

Trước đó, Trung Quốc từng rơi vào giảm phát hồi tháng 7 khi chỉ số CPI “đi lùi” 0,1% và chỉ phục hồi nhẹ trong tháng 8 và 9. Tuy nhiên, kết quả mới nhất cho thấy nhận định của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc về xu hướng phục hồi của lạm phát sau tháng 8 có phần lạc quan thái quá. 

Trung Quốc đang đối mặt với áp lực giảm phát lớn

Lạm phát thấp tại Trung Quốc bắt nguồn từ một số lý do như khủng hoảng thị trường bất động sản, nhu cầu tiêu dùng nội địa thấp, đà sụt giảm giá hàng hóa toàn cầu và hoạt động xuất khẩu yếu. 

Bên cạnh đó, giá thịt lợn, mặt hàng quan trọng trong rổ hàng hóa tính CPI của Trung Quốc, cũng liên tục sụt giảm thời gian gần đây. Các nhà cung cấp liên tục tăng đàn, gia tăng sản lượng nhằm đón đầu xu hướng phục hồi nhu cầu thị trường sau khi nền kinh tế số hai thế giới gỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng dịch Covid-19. Tuy nhiên, dự báo của họ đã sai lầm. 

Còn theo Tommy Xie, Chuyên gia tới từ  Oversea-Chinese Banking Corp Ltd: “Đây có thể là tin tốt đối với các ngân hàng trung ương, vốn từng lo ngại đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc sẽ kéo tăng áp lực lạm phát toàn cầu”. 

Tuy nhiên, giảm phát lại là bất lợi đối với các doanh nghiệp Trung Quốc và kết quả kinh doanh của họ. Sức mua của người tiêu dùng cũng khó lòng phục hồi trước nỗi sợ giá cả sẽ còn xuống thấp hơn nữa. 

“Cuộc chiến chống lại áp lực giảm phát trong bối cảnh nhu cầu thị trường yếu là một trong những thách thức lớn nhất mà các nhà hoạch định chính sách tại Trung Quốc phải đối mặt”, Bruce Pang, Chuyên gia tới từ công ty quản lý đầu tư Jones Lang LaSalle, nhận định.

Lạm phát tại Trung Quốc được dự báo ở ngưỡng 0,5% trong năm 2023, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 3% của chính phủ trung ương. Lạm phát thấp cũng là cơ sở để nhiều định chế tài chính và chuyên gia kinh tế nhận định quốc gia tỷ dân này đang tăng trưởng dưới tiềm năng, đòi hỏi phải có thêm các giải pháp nới lỏng chính sách tiền tệ và hỗ trợ tài khóa.  

Đại Phú