Fica
  1. Quốc tế

Trung Quốc muốn mở cửa thị trường tài chính: Đường còn xa

Các tổ chức tài chính đang kỳ vọng có nhiều cơ hội kinh doanh hơn trong ngành tài chính Trung Quốc - lĩnh vực mà Bắc Kinh đang muốn mở rộng hơn. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, những thay đổi lớn này còn lâu mới diễn ra.

Trung Quốc vẫn bế tắc với kế hoạch cho phép người nước ngoài tham gia nhiều hơn vào thị trường tài chính nước này. (Ảnh: Reuters)

Bất kể đại dịch hay căng thẳng địa chính trị, các nhà chức trách Trung Quốc vẫn bế tắc với kế hoạch cho phép người nước ngoài tham gia nhiều hơn vào thị trường tài chính nước này.

Bắc Kinh muốn có thêm nhiều nguồn vốn nước ngoài và thúc đẩy việc quốc tế hoá đồng Nhân dân tệ. Khi Trung Quốc đang trên đà phát triển thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài đều muốn nắm bắt cơ hội của sự tăng trưởng đó.

Một số phát triển gần đây nhất trong ngành là ở thị trường giao chậm của Trung Quốc. Các nhà đầu tư có thể giao dịch hợp đồng tương lai như một cách để đặt cược vào những thay đổi giá sắp tới hoặc đề phòng thua lỗ.

Rick Chang, quản lý của Greater China – một công ty về dữ liệu tài chính có trụ sở ở Mỹ - cho biết: “Khi Trung Quốc giới thiệu nhiều loại hợp đồng giao dịch quốc tế (tương lai) hơn, chẳng hạn như hợp đồng giao dịch đồng ở Sàn giao dịch năng lượng quốc tế Thượng Hải, khách hàng của chúng tôi rất quan tâm, đặc biệt là khách hàng từ châu Âu và cả Mỹ”.

Sự quan tâm đối với mặt hàng đồng, theo ông Chang, có nghĩa là sản phẩm này có tiềm năng lớn trở thành tiêu chuẩn chính cho thị trường toàn cầu và khu vực. 

Vào tháng 11, đồng đã trở thành hợp đồng tương lai mới nhất của Trung Quốc có sẵn để giao dịch bởi các nhà đầu tư nước ngoài thông qua Sàn giao dịch năng lượng quốc tế Thượng Hải (INE).

Các hợp đồng giao dịch dầu thô Trung Quốc được đưa lên cách đây chưa đầy 3 năm hiện cũng là hợp đồng giao dịch lớn thứ 3 thế giới đối với mặt hàng này, mặc dù thấp hơn nhiều so với hợp đồng dầu Brent và hợp đồng dầu thô của Mỹ (WTI).

Một dấu hiệu cho thấy INE đang muốn thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến mức nào. Năm ngoái, sàn này đã tổ chức nhiều khoá học online bằng tiếng Anh về thị trường giao dịch tương lai của Trung Quốc

Trong khi Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ nhiều mặt hàng chính lớn nhất thế giới, thì nước này vẫn đóng cửa thị trường tài chính. Điều đó có nghĩa là giá của các mặt hàng từ sắt cho đến đồng đều được quyết định bởi các hợp đồng tương lai được giao dịch ở Chicago và London.

Trong một động thái nhằm làm cho thị trường tài chính nước này trở nên dễ tiếp cận hơn với các nhà đầu tư nước ngoài, tháng 11 vừa qua, Trung Quốc đã bổ sung hợp đồng tương lai và các sản phẩm khác trở thành một kênh đầu tư cho phép nguồn vốn nước ngoài chảy vào Trung Quốc. Trước đây, kênh Nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đủ điều kiện (QFII) đã cho phép người nước ngoài mua bán cổ phiếu ở Trung Quốc đại lục.

Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát dòng tiền chảy ra khỏi đất nước của Trung Quốc có thể ngăn cản nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào nước này.

“Vấn đề lúc này là khi nào nhà đầu tư nước ngoài có thể tự do tiếp cận miễn phí các hợp đồng tương lai Trung Quốc và khi nào thị trường giao dịch chậm này cho phép các hợp đồng này được giao dịch không chỉ bằng đồng Nhân dân tệ mà còn các loại tiền tệ khác”, Li- Gang Liu, giám đốc điều hành và nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Citigroup, đặt câu hỏi.

“Chừng nào Trung Quốc vẫn còn kiểm soát vốn và sự tham gia của nước ngoài chưa đủ lớn, thì ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc trong việc thiết lập giá cả sẽ còn hạn chế”, ông nói.

Nhật Linh

Theo CNBC