Kinh tế Trung Quốc bị tổn thất nặng nề
Có một câu ngạn ngữ cho rằng đêm tối thường đến trước bình minh, nghĩa là mọi việc sẽ diễn ra rất tồi tệ trước khi chúng bắt đầu trở nên tốt hơn. Điều này có thể đúng với nền kinh tế Trung Quốc ở thời điểm hiện tại. Theo các nhà phân tích, kinh tế của Trung Quốc có thể chịu nhiều thách thức trong thời gian ngắn do virus corona bùng phát, nhưng nó sẽ nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng khi cuộc khủng hoảng chấm dứt.
Cùng với thuế quan đang đè nặng lên Trung Quốc và nhiều nước, virus corona có thể làm suy yếu đà tăng trưởng mong manh của kinh tế toàn cầu. Ảnh: AFP.
Dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra khiến hơn 400 người thiệt mạng và hơn 20.000 nghìn người khác bị nhiễm bệnh, đã gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế Trung Quốc. Hàng loạt nhà máy phải tạm dừng hoạt động, nhiều chuyến bay bị hủy bỏ và chuỗi cung ứng bị phá vỡ. Dịch bệnh có thể làm chậm tiến độ của Trung Quốc trong việc thực hiện cam kết đưa ra trong thỏa thuận thương mại giai đoạn I đã ký kết với chính quyền Tổng thống Trump.
Các nhà kinh tế cho rằng, liệu nền kinh tế Trung Quốc có sụp đổ hay không sẽ phụ thuộc vào cách thức nước này xử lý dịch bệnh lây lan, cũng như việc quay trở lại làm việc của các lao động nhập cư – vốn chiếm một phần đáng kể trong lực lượng sản xuất tại Trung Quốc. Song nhìn chung triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm mạnh. Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc có thể giảm từ 1 đến 2 điểm phần trăm trong quý I năm nay. Đây không phải tin tức tốt cho một nền kinh tế đã mất đà tăng trưởng trong những năm gần đây. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc có thể đưa ra nhiều chính sách điều tiết, chẳng hạn như nới lỏng tín dụng, kích thích tài chính, giảm giá đồng Nhân dân tệ để có thể khôi phục lại triển vọng tăng trưởng kinh tế.
Gánh nặng đặt lên vai Mỹ
Không ai biết trước được cuộc khủng hoảng sẽ nghiêm trọng đến mức nào và cũng chưa thể đánh giá được những thiệt hại mà virus corona gây ra đối với kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, đã có dự báo không mấy lạc quan rằng, dịch bệnh này sẽ khiến nền kinh tế thế giới “bốc hơi” hàng trăm tỷ USD. Trung Quốc và Mỹ đều có mối quan tâm chung trong việc thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Với bối cảnh hiện nay, việc củng cố niềm tin là rất quan trọng.
Theo giới quan sát, nền kinh tế Mỹ, vốn đang phát triển mạnh mẽ sẽ phải gánh nhiệm vụ hỗ trợ sự tăng trưởng toàn cầu cho đến khi Trung Quốc trở lại bình thường. Sự tương trợ lẫn nhau có thể diễn ra suốt một chặng đường dài, giúp chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh với Washington, mang lại một khởi đầu mới. Nhưng để đạt được điều đó, các bên cần phải nỗ lực hết mình.
Khi nền kinh tế Trung Quốc đang lao đao vì sự lây lan của virus corona, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) và Tổng thống Donald Trump đã gửi thông điệp lạc quan đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp Mỹ.
Mỹ đang khởi động năm 2020 dựa trên một nền tảng kinh tế vững chắc, có khả năng phát triển tốt hơn nữa. Kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 2,3% trong năm 2019, sau khi mở rộng 2,1% trong quý 4, nhưng vẫn ở tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 2016. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 50 năm qua song tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng.
Cục dự trữ liên bang Mỹ đã nỗ lực nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian dài nhất có thể, không loại trừ khả năng thực hiện một đợt cắt giảm lãi suất khác. Tuy vậy, các chuyên gia tài chính cho rằng, cách tiếp cận “chờ đợi và quan sát” hiện tại của FED là chưa đủ và cơ quan này nên chủ động hơn nữa để phòng ngừa những rủi ro có thể xảy ra đối với tăng trưởng kinh tế.
Tổng thống Trump đã gây mâu thuẫn với Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell khi nhiều lần yêu cầu cơ quan này phải cắt giảm lãi suất cơ bản mạnh hơn và nhanh hơn, nhưng giờ là lúc ông cần ngừng gây áp lực và hướng tới sự hòa giải để phối hợp với cơ quan này. Bởi ông Trump đang cần rất nhiều đồng minh trong bối cảnh cuộc bầu cử Mỹ sắp diễn ra vào tháng 11/2020. Thời gian không còn nhiều và cuộc đua vẫn đang diễn ra nhằm giúp nền kinh tế Mỹ tăng trưởng vượt bậc. Nếu Tổng thống Trump và Cục dự trữ liên bang Mỹ có thể hợp tác ăn ý với nhau thì tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể đạt tới 3% vào cuối năm 2020.
Ông Trump cần có được sự ủng hộ của tầng lớp nông dân và công nhân, nhưng quan trọng hơn, ông cần phải đưa tầng lớp trung lưu ở Mỹ đứng về phía mình. Điều này đồng nghĩa với việc ông phải giải quyết cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, đề xuất các sáng kiến cắt giảm thuế mới, xây dựng lại niềm tin đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ. Nếu Mỹ và Trung Quốc có thể thu hẹp bất đồng trong vấn đề thương mại thì tất yếu sẽ có lý do để lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020.
Theo Hồng Anh
VOV