Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 9/2018, linh phụ kiện sản xuất ô tô được Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc đạt hơn 465 triệu USD, xếp thứ 3 sau kim ngạch nhập mặt hàng này từ Hàn Quốc (560 triệu USD) và Nhật Bản 591 triệu USD.
Trung Quốc là 1 trong 3 nhà cung ứng linh kiện ô tô lớn nhất cho Việt Nam
Hiện, hết 9 tháng tổng kim ngạch nhập khẩu linh phụ kiện cho ngành sản xuất ô tô Việt Nam đạt khoảng 2,5 tỷ USD, trong đó 7 thị trường là Nhật, Hàn, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Đức và Ấn Độ đạt giá trị kim ngạch hơn 2,44 tỷ USD (chiếm trên 97%).
Theo thống kê hải quan, linh phụ kiện cho ngành sản xuất ô tô nhập từ Trung Quốc chủ yếu là săm lốp, cao su, nệm da cho xe tải, xe khách, dây và thiết bị điện.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số nhập khẩu chính ngạch linh phụ kiện ô tô từ Trung Quốc vào Việt Nam. Trong khi đó, điều đáng nói nhất là đường nhập lậu, nhập tiểu ngạch không được thống kê.
Trên thực tế, các thành phố lớn như Hà Nôi, Hải Phòng và TP.HCM luôn tồn tại số lượng lớn các linh phụ kiện như dây và cáp điện cho ô tô, đèn xe, gương xe nhái nhập từ Trung Quốc bày bán tại nhiều nơi.
Tại Hà Nội và TP.HCM nhiều chợ thiết bị cho xe hơi đều xuất hiện các loại hàng nhái nhập khẩu không chính thức từ Trung Quốc về Việt Nam, đây là các mặt hàng không được thống kê và có giá bán rẻ từ từ 30% đến 70% so với mặt hàng chính hãng, tuy nhiên chất lượng không đảm bảo.
Các linh phụ kiện cho ngành xe hơi mà Việt Nam nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức chủ yếu là động cơ, khung gầm và các máy móc công nghệ mà các hãng không sản xuất tại Việt Nam vì bí quyết công nghệ hoặc không muốn chuyển giao công nghệ sản xuất.
Các mặt hàng linh và phụ kiện nhập từ Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ chủ yếu là linh phụ kiện cho các doanh nghiệp xe hơi trong nước để sản xuất xe con như lượng lớn dây cáp điện, thép được nhập bởi các liên doanh như Toyota, Ford hay Nissan.
Mặc dù 2 năm trở lại đây, Việt Nam xuất hiện các doanh nghiệp lắp ráp xe lớn như Trường Hải - Thaco hay Thành Công - Hyundai, tuy nhiên, tốc độ phát triển các doanh nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô vẫn yếu kém và không có nhiều con số thống kê.
Trong khi đó, các liên doanh, doanh nghiệp ô tô toàn cầu tại Việt Nam 100% vốn của Nhật, Mỹ đều chủ yếu nhập linh kiện, lắp ráp. Các chi tiết nội địa hóa mới từ ngành săm lốp nhưng cũng do các doanh nghiệp nước ngoài có mặt tại Việt Nam đảm nhiệm.
Tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam cao nhất ở phân khúc xe tải, xe khách, các linh phụ kiện gồm dây, cáp điện, thùng xe, ghế...
An Linh