Fica
  1. Quốc tế

Trung Quốc "khóa van" dòng tiền đổ vào những "con nợ" ở châu Phi

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Việc Trung Quốc đang cho vay chậm lại đối với các dự án cơ sở hạ tầng ở châu Phi phản ánh mức độ nguy hiểm của những khoản vay này, một giáo sư tài chính ở Bắc Kinh cho biết.

Trung Quốc khóa van dòng tiền đổ vào những con nợ ở châu Phi - 1

Một số quốc gia châu Phi đang tìm kiếm hoặc nhận được khoản giảm nợ từ Trung Quốc, nước cho vay song phương lớn nhất của lục địa đen. Ảnh: AFP

Michael Pettis - thành viên cấp cao tại Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua và là giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh - cho biết, 10 đến 15 năm trước, chính phủ Trung Quốc đã đi theo con đường giống như mọi quốc gia trước đây (Mỹ, Nhật Bản) khi đầu tư ra nước ngoài.

Pettis cho biết: "Trung Quốc đã đánh giá thấp rủi ro đáng kể và sẽ sớm bắt đầu giảm mạnh khoản cho vay khi phát hiện ra những khoản cho vay này có thể nguy hiểm như thế nào. Và Covid-19 - dường như đang đẩy nhanh quá trình này".

Vào thời điểm chuyển giao thế kỷ, Trung Quốc đã quyết liệt tiến vào châu Phi với hy vọng đảm bảo nguồn nguyên liệu thô cho các ngành công nghiệp và thị trường tiêu thụ sản phẩm của mình. Đổi lại, châu Phi nhận được hàng tỷ USD cho vay để xây dựng các siêu dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm cảng, đường sắt, sân bay, đường bộ và đập thủy điện.

Các khoản cho vay của Trung Quốc đạt đỉnh vào năm 2013 và kể từ đó chỉ duy trì hoặc giảm, ngoài một thỏa thuận lớn của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc vào năm 2016, khi ngân hàng này tái cấp vốn cho công ty dầu khí nhà nước Sonangol của Angola.

Trung Quốc ứng trước 17 tỷ USD vào năm 2013, sau đó là 12 tỷ USD trong hai năm tiếp theo, theo số liệu của Sáng kiến Nghiên cứu Châu Phi - Trung Quốc tại trường nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Johns Hopkins.

Năm 2016, các khoản cho vay đã tăng lên 29 tỷ USD, trong đó 18 tỷ USD dành cho Sonangol. Đến năm 2018, các khoản cho vay đã giảm xuống còn 9 tỷ USD. Tổng cộng, Trung Quốc đã tài trợ 148 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng trong hai thập kỷ qua, trở thành nhà cho vay song phương lớn nhất của châu Phi.

Pettis cho biết, việc thiếu kinh nghiệm và chưa quen với việc cho vay quốc tế, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển, khiến Trung Quốc đã đánh giá thấp mức độ rủi ro và nguy hiểm.

"Tôi biết một vài người trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào quá trình cho vay của Bắc Kinh, và trong mọi trường hợp, tôi thấy rằng họ hầu như không biết gì về lịch sử cho vay đối với các nước đang phát triển," Pettis nói. "Mặc dù họ có thể đã nghe nói về những giai đoạn bất ổn trước đây, nhưng họ có xu hướng không hiểu nguyên nhân của chúng."

Ông cho biết điều này không phải là duy nhất đối với Trung Quốc và đã từng xảy ra mỗi khi một quốc gia cho vay theo quy mô này trong thế kỷ qua. Chẳng hạn như Mỹ trong những năm 1920, Liên Xô trong những năm 1950 và 1960, và Nhật Bản trong những năm 1970 và 1980.

Pettis cho biết: "Trong mọi trường hợp, quốc gia này đã đánh giá thấp rủi ro và mở rộng cho vay rất nhanh, chỉ sau một vài năm sau, họ sẽ thu hẹp trở lại khi bắt đầu nhận ra mức độ khó khăn và rủi ro thu hồi của việc cho vay phát triển".

Trong hai năm qua, ngày càng nhiều quốc gia ở châu Phi lâm vào cảnh nợ nần chồng chất và đã tìm kiếm sự cứu trợ từ các quốc gia giàu có và Nhóm G20, bao gồm cả Trung Quốc.

Zambia đã trở thành quốc gia châu Phi đầu tiên trong kỷ nguyên Covid-19 vỡ nợ - khi phải hoàn trả 42,5 triệu USD lãi suất của khoản cho vay 3 tỷ USD.

Kể từ đó, Zambia và Angola đã nhận được khoản giảm nợ từ Trung Quốc để giúp giảm bớt khó khăn trong việc thanh toán dịch vụ nợ. Một số quốc gia khác, bao gồm Djibouti, Ethiopia và Cộng hòa Congo, đang thảo luận với Bắc Kinh để cơ cấu lại các khoản nợ của họ.

Gần đây, Trung Quốc cho biết, họ đã đình chỉ 2,1 tỷ USD thanh toán nợ từ 23 quốc gia khi đại dịch tàn phá các nền kinh tế ở châu Phi.

Deborah Brautigam, giáo sư kinh tế chính trị quốc tế tại Đại học Johns Hopkins và là giám đốc sáng lập của Sáng kiến Nghiên cứu Châu Phi Trung Quốc, cho biết bà dự đoán việc cho vay của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm hoặc giữ nguyên.

Bà nói rằng, trước khi dịch bùng phát, đã có nhiều lý do khiến các quốc gia đang trải qua hoặc có nguy cơ lâm vào cảnh túng quẫn, bao gồm suy thoái kinh tế do chiến tranh (Burundi, Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan), chi tiêu dân túy (Ghana) và đồng tiền mất giá.

Brautigam nói, kể từ năm 2014, tình trạng nợ nần ở các nước châu Phi "chủ yếu là do sự sụt giảm của giá hàng hóa trên khắp lục địa, đặc biệt là dầu mỏ".

Cộng hòa Congo, Angola, Cameroon và Zambia - những "con nợ" lớn của Trung Quốc - đều bị ảnh hưởng đáng kể bởi điều này, bà nói.

Thùy Dung

Theo SCMP