Một số nhà phân tích tin rằng các động thái trên sẽ tạo thêm chỗ trống cho Trung Quốc nhập khẩu thêm lúa mạch và thịt bò từ Mỹ để đáp ứng các yêu cầu trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 của họ.
Trung Quốc là ông trùm nhập khẩu lúa mạch Úc lớn nhất thế giới – chiếm một nửa sản lượng lúa mạch của Úc.
Chỉ trong vài ngày, Trung Quốc đã giáng một đòn nặng nề vào cả ngành công nghiệp lúa mạch và thịt bò của Úc, làm dấy lên nghi ngờ rằng Bắc Kinh đang sử dụng thương mại để trừng phạt đất nước này vì đã hỗ trợ cho cuộc kêu gọi quốc tế để điều tra nguồn gốc của đại dịch corona.
Một số nhà phân tích cho biết, những hạn chế đối với thịt bò và lúa mạch của Úc cũng có thể mở đường cho Trung Quốc tăng nhập khẩu hai sản phẩm nông nghiệp này từ Mỹ, nhằm đáp ứng nghĩa vụ mua hàng theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 trong bối cảnh áp lực gia tăng từ Washington.
Chỉ trong khoảng thời gian hơn 2 ngày từ hôm Chủ nhật đến thứ Ba vừa qua, Trung Quốc đã xác nhận họ có thể sẽ áp dụng mức thuế khủng khiếp - hơn 80% đối với các sản phẩm lúa mạch nhập khẩu từ Úc do các cáo buộc chống bán phá giá, đồng thời đình chỉ nhập khẩu thịt bò từ 4 nhà máy chế biến thịt lớn ở Queensland và New South Wales, Úc.
Các động thái này đã làm dấy lên nghi ngờ ở Úc rằng Trung Quốc đang sử dụng các đòn thương mại để trừng phạt quốc gia này vì vị thế chính trị của mình.
Cuối tháng trước, việc Úc thúc đẩy cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc của đại dịch Covid-19 đã bị Bắc Kinh phản đối. Đại sứ Trung Quốc Cheng Jingye đã đưa ra cảnh báo rằng, người dân Trung Quốc có thể sẽ tẩy chay các sản phẩm rượu và thịt bò từ Úc.
Hôm thứ 3 vừa qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Zhao Lijian cho biết, Trung Quốc đưa ra lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Úc là do các sản phẩm này đã vi phạm các yêu cầu kiểm tra và kiểm dịch của quan chức hải quan Trung Quốc.
Ông Zhao sau đó cũng đưa ra một lời giải thích về lập trường của Trung Quốc đối với cuộc điều tra về nguồn gốc của virus Corona, ông kêu gọi mọi người nên đọc kỹ văn bản của Đại sứ Cheng Jingye, đồng thời nói rằng, cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch không có bất kỳ một mối liên hệ nào với lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Úc.
Chủ tịch Liên đoàn Nông dân Quốc gia Úc, bà Fiona Simson nói rằng: “Trung Quốc là một thị trường quan trọng đối với một loạt các mặt hàng bao gồm len, bông, ngũ cốc, sữa, hải sản và nông sản của Úc. 2/3 sản lượng các sản phẩm tại trang trại của Úc được xuất khẩu. Gần 1/3 trong số này - 28%, được xuất khẩu sang Trung Quốc, bao gồm 18% tổng sản lượng thịt bò và 49% lúa mạch.”
Bà Fiona Simson nói thêm: “Trước nhiều vấn đề đang phát sinh hiện nay, điều quan trọng nhất là cả hai bên phải làm việc với nhau một cách tôn trọng, càng sớm càng tốt để giải quyết các thách thức và đưa ra được những quyết định hợp lý nhất.”
Cũng có khả năng điều này sẽ giúp Trung Quốc nắm bắt cơ hội mua thêm các sản phẩm nông sản từ Mỹ, thực hiện các cam kết theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một, vì cả lúa mạch và các sản phẩm thịt đều nằm trong đáp ứng yêu cầu mua 12,5 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp của Mỹ vào năm 2020 và 19,5 tỷ USD Mỹ vào năm 2021.
Sản lượng thịt bò Úc xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 20% tổng sản lượng thịt bò của đất nước. Vào năm ngoái, đã có 300.000 tấn thịt bò được xuất sang Trung Quốc - chiếm một phần lớn trong sinh kế của nhiều nông dân chăn nuôi bò cao cấp. Hiện nay, lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Úc của Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới những người nông dân Úc.
Bộ trưởng Thương mại - Simon Birmingham và Bộ trưởng Nông nghiệp David Littleproud cho biết trong một tuyên bố rằng: “Chúng tôi sẽ làm việc với ngành công nghiệp và chính quyền ở cả Úc và Trung Quốc để tìm kiếm một giải pháp cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu thịt bò tiếp tục hoạt động bình thường càng sớm càng tốt.”
Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Perth USAsia, Jeffrey Wilson cho biết, các động thái "ăn miếng trả miếng" trên cho thấy dấu hiệu bắt đầu cuộc chiến thương mại giữa hai nước. Nhưng tình hình căng thẳng trên có leo thang hay không còn phụ thuộc vào những động thái tiếp theo mà Úc thực hiện.
Thùy Dung
Theo SCMP