Fica
  1. Quốc tế

Trung Quốc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc để hỗ trợ tăng trưởng

Đại Phú
Đại Phú

Ngay từ đầu năm, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã thông báo cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Các cơ quan chức năng Trung Quốc đang thể hiện rõ quyết tâm hỗ trợ tăng trưởng thông qua việc bơm thêm thanh khoản ra nền kinh tế. 

Cụ thể, tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR), khoản tiền tối thiểu mà các ngân hàng phải giữ lại, sẽ được cắt giảm 50 điểm cơ bản (tương đương 0,5%) bắt đầu kể từ ngày 5/2 tới, theo thông tin từ Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) Phan Công Thắng trong một cuộc họp báo tại thủ đô Bắc Kinh ngày 24/1. Quyết định này đồng nghĩa với thực tế sẽ có thêm 1.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 139,8 tỷ USD) được giải phóng ra thị trường. 

Đây là lần cắt giảm RRR đầu tiên của năm mới 2024 sau hai lần cắt giảm hồi năm ngoái. Ngoài quyết định trên, PBoC đồng thời cho biết chính sách tiền tệ tại nền kinh tế số hai thế giới vẫn còn dư địa nới lỏng trong thời gian tới. 

Trụ sở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc

Cũng trong cuộc họp báo, ông Phan chia sẻ với các phóng viên rằng ngân hàng trung ương cũng như Ủy ban điều hành tài chính đang phối hợp xây dựng một chính sách hỗ trợ mới nhằm cung cấp vốn cho các nhà phát triển bất động sản uy tín. Thông tin chi tiết về gói chính sách này sẽ được công bố trong một vài ngày tới. 

Về vấn đề nợ công, ông Phan cho biết tình hình phức tạp chỉ diễn ra tại các địa phương kém phát triển, do đó có tác động hạn chế tới nền kinh tế cũng như hệ thống tài chính. 

Bắc Kinh đang nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng đồng thời “cứu vớt” lĩnh vực bất động sản, vốn đang chìm sâu trong khủng hoảng. Chính điều này làm gia tăng những rủi ro tài chính, kéo giảm niềm tin người tiêu dùng, nguồn cơn thực trạng giảm phát trong một vài tháng gần đây. 

Ông Phan tiết lộ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc chỉ tăng 0,2% trong năm 2023, “thấp hơn nhiều” so với một năm trước. Ngoài ra, ông còn đề cập tới thực trạng nhu cầu thị trường nội địa yếu, người dân kém lạc quan về triển vọng nền kinh tế trong khi công suất sản xuất dư thừa trong một số ngành công nghiệp. 

Đó là một trong số những cơ sở để PBoC thời gian tới tập trung “cải thiện đà phục hồi giả cả hướng tới mục tiêu ổn định thị trường”. 

Đại Phú