Quốc tế 12/05/2024 12:00

Trung Quốc ghi nhận lạm phát dương trong tháng thứ ba liên tiếp nhưng tốc độ gia tăng giá cả vẫn còn rất chậm

Giá cả vẫn tăng chậm là bằng chứng cho thấy tâm lý tiêu dùng của người dân vẫn chưa có nhiều cải thiện.

Trung Quốc ghi nhận lạm phát dương trong tháng thứ ba liên tiếp trong khi chi phí sản xuất tiếp tục nằm trong xu hướng giảm.

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại nền kinh tế số hai thế giới tăng 0,3% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn dự báo tăng 0,2% của giới chuyên gia. Nếu tính vắt tháng, CPI của tháng 4 cũng cao hơn 0,1% so với tháng 3, trái ngược với kỳ vọng giảm 0,1%.

Nếu loại bỏ đi chi phí thực phẩm và năng lượng, CPI ghi nhận mức tăng 0,7%, nhanh hơn ngưỡng 0,6% của tháng liền kề trước đó.

Rủi ro giảm phát tại Trung Quốc vẫn tồn tại


“Kết quả lạm phát tháng mới nhất cho thấy nhu cầu thị trường đang được cải thiện, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ”, Xu Tianchen, Chuyên gia kinh tế cấp cao tại Economist Intelligence Unit, nhận định.

Dù vậy, giới quan sát nhận định Bắc Kinh vẫn còn nhiều việc phải làm khi xu hướng lạm phát chưa đạt được mức độ ổn định cần thiết. Họ chỉ ra những yếu tố cản trở như cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản và đà suy giảm hoạt động sản xuất, dịch vụ.

“Khó khăn tài khóa mà một số chính quyền các địa phương đang phải đối mặt cũng có những ảnh hưởng nhất định tới các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, buộc các doanh nghiệp phải chuyển phần chi phí tăng lên tới khách hàng”, Xu chia sẻ.

Hiện, các địa phương Trung Quốc đang gánh trên vai khoản nợ lên tới 13.000 tỷ USD. Theo chính phủ nước này, áp lực tài chính đã khiến cho nhiều dự án cơ sở hạ tầng sử dụng nguồn vốn đầu tư công bị chậm tiến độ hoặc dừng triển khai.

Còn theo, Zhou Maohua, Chuyên gia nghiên cứu vĩ mô tại China Everbright Bank, “dữ liệu lạm phát cho thấy nhu cầu nội địa đang hồi phục, lực cung và cầu trên thị trường cũng dần được cải thiện và triển vọng thời gian tới tương đối tích cực. Tuy nhiên, tốc độ tăng giá vẫn tương đối thấp trong khi lĩnh vực sản xuất công nghiệp vẫn chịu nhiều áp lực do nhu cầu thị trường trong nước và nước ngoài vẫn yếu”.

Chính điều trên đã khiến cho chỉ số giá sản xuất (PPI) tiếp tục ghi nhận mức giảm 2,5% trong tháng vừa qua. Chỉ số này không tăng trong khoảng 1,5 năm trở lại đây.

Trong ngày 10/5, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết sẽ linh hoạt áp dụng các chính sách tiền tệ, nâng cao tính chính xác, hiệu quả nhắm mục tiêu thúc đẩy giá cả tiêu dùng, tiếp đà hồi phục nền kinh tế.

Trước đó, trong tháng 4, Bộ Chính trị Trung Quốc cam kết sử dụng đa dạng các công cụ chính sách như tỷ lệ dự trữ bắt buộc và lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, hiệu quả từ các nhóm chính sách hỗ trợ tính tới thời điểm hiện tại vẫn tương đối hạn chế.

Phần lớn chuyên gia kinh tế nhận định mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% năm 2024 của Trung Quốc vẫn là một thách thức nếu như chính phủ nước này không tiếp tục bổ sung thêm các giải pháp hỗ trợ.

Đại Phú

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *