Fica
  1. Quốc tế

Trung Quốc: Công xưởng khẩu trang lớn nhất thế giới "đói" nguyên liệu thô

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Trung Quốc đang là công xưởng xuất khẩu trang y tế lớn nhất thế giới, nhưng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt các nguyên liệu thô.

Tình trạng thiếu hụt này đã gây náo loạn cho chuỗi cung ứng thiết bị y tế của thế giới, khiến cho giá khẩu trang và thiết bị bảo hộ y tế tăng giá chóng mặt và được ví như “những hạt bụi vàng”.

Giá nguyên liệu vải thô tăng gấp 10-25 lần

Trung Quốc: Công xưởng khẩu trang lớn nhất thế giới đói nguyên liệu thô - 1

Các nhà sản xuất hoặc kinh doanh thiết bị y tế ở Trung Quốc đang gặp tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các nguyên liệu sản xuất thô cho khẩu trang, quần áo bảo hộ, găng tay và các bộ phận cho máy thở, máy đo nhiệt độ. Ảnh: SCMP

Trả lời phỏng vấn với SCMP, một ông chủ kinh doanh trước đó đã nhận đơn hàng cung cấp quần áo bảo hộ phẫu thuật từ Chính phủ một quốc gia tại châu Âu. Tuy nhiên, công ty của ông buộc phải hủy thỏa thuận sau khi chỉ tính riêng giá nguyên liệu sản xuất cho mỗi bộ đồ bảo hộ đã tăng vọt từ 80 cent lên hơn 3 USD chỉ trong vài tuần. Các nhà sản xuất đều không quá ngạc nhiên khi tình trạng này xảy ra.

Theo Cục Hải quan Trung Quốc, chỉ tính riêng tháng 3, Trung Quốc đã xuất khẩu gần 4 tỷ khẩu trang, 37,5 triệu bộ đồ bảo hộ, 16.000 máy thở và gần 4 triệu bộ kit xét nghiệm. Việc sản xuất vượt quá công suất thông thường đã dẫn đến việc cạn kiệt lượng hóa chất và hóa dầu dự trữ cần thiết để sản xuất vải.

Chỉ có một số ít các nhà sản xuất khẩu trang được hợp tác sản xuất với các công ty nổi tiếng như Sinopec, công ty dầu khí nhà nước Trung Quốc, trong khi hầu hết các nhà sản xuất tư nhân đều tìm nguồn cung ứng riêng.

Tuy vậy, một số chuyên gia cho rằng, thông tin thiếu hụt này được tung ra một phần là do những nỗ lực của Bắc Kinh, nhằm mở đường lùi cho Trung Quốc sau những tai tiếng về chất lượng sản phẩm xuất khẩu gây nên những căng thẳng về ngoại giao.

Tây Ban Nha, Anh và Hà Lan đã đưa ra cáo buộc rằng các lô hàng khẩu trang và bộ dụng cụ thử nghiệm của Trung Quốc giao cho họ không đạt chất lượng. Không những vậy, những kẻ lừa đảo và những người đầu cơ đến từ Trung Quốc đang làm giả giấy chứng nhận và giấy phép xuất khẩu nhằm trục lợi.

Trung Quốc: Công xưởng khẩu trang lớn nhất thế giới đói nguyên liệu thô - 2

Công nhân sản xuất khẩu trang tại một nhà máy ở Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc hôm 22/1. Ảnh: Reuters.

David Sun, một thương nhân kinh doanh khẩu trang và thiết bị bảo hộ (PPE) chia sẻ, giá của nguyên liệu vải sau khi đại dịch bùng phát đã tăng từ 10 đến 25 lần.

“Bây giờ, nếu bạn có giấy giới thiệu của chính phủ, mức giá sẽ thấp hơn 200.000 Nhân dân tệ/tấn (28.300 USD). Tuy nhiên, nếu không giá thị trường có thể là 500.000 Nhân dân tệ/tấn (70.700 USD)”

Một thương nhân khác cho biết, ông đã được báo giá 600.000 Nhân dân tệ cho một tấn vải tan chảy - tăng 2.900% so với giá trước đó.

Tăng cường nhập khẩu nguồn nguyên liệu

Ông Liu - chủ một nhà máy sản xuất khẩu trang ở Phúc Kiến, cho biết ông đã tiếp cận với một nhà cung cấp đáng tin cậy nhưng hiện đang thấy giá dao động khi thiếu hụt, không chỉ do nhu cầu quá cao mà còn do nhà cung cấp địa phương tích trữ.

“Một số người bắt đầu tìm kiếm nguồn cung từ nước ngoài ở những nơi như Ukraine, Nga. Nhiều người không có lựa chọn nào khác ngoài việc mua nguyên liệu thô đắt tiền hơn nếu họ muốn tiếp tục sản xuất”, ông Liu nói.

Giá thành tăng cao, chất lượng tụt dốc

Một nhà máy tư nhân chuyên sản xuất vải tan chảy - nguyên liệu thô quan trọng để sản xuất khẩu trang trong khu công nghiệp Cixi gần Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang chia sẻ: Sự biến động giá cả cùng với sự khan hiếm của vải dẫn đến việc các cá nhân, công ty trục lợi, tuồn vào thị trường hàng loạt các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn.

Một chuyên gia tìm nguồn cung ứng tại Thượng Hải cho biết, ông đã thử nghiệm nhiều mẫu sản phẩm từ các lô hàng mặt nạ mà Anh và các nước châu Âu khác đã đưa cáo buộc về việc lô hàng khẩu trang này không chứa một lớp vải tan chảy cần thiết để đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế tuyến đầu.

“Chất lượng rất tệ”, chuyên gia nhận xét. “Lô hàng này được bán giá thấp hơn giá thị trường, khiến chúng tôi nghi ngờ, vì vậy chúng tôi đã thử nghiệm và phát hiện lô khẩu trang này không có lớp vải tan chảy cần thiết. Điều này giải thích tại sao rất nhiều người bị nhiễm bệnh.”

Các nhà chức trách ở Trung Quốc và nước ngoài mới đây đã ban hành luật xuất khẩu mới cứng rắn, yêu cầu hàng hóa phải được hải quan Trung Quốc kiểm tra trước khi xuất khẩu để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

Trung Quốc: Công xưởng khẩu trang lớn nhất thế giới đói nguyên liệu thô - 3

Mới đây, hải quan ở thành phố Cincinnati, bang Ohio, Mỹ đã thu giữ một lô hàng 2.000 mặt nạ 3M giả đã được vận chuyển từ Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, với nhu cầu đặt hàng từ các quốc gia ngày càng tăng cao, để ngăn chặn sự bùng phát Covid-19, và đã có thêm hàng chục nghìn doanh nghiệp, nhà máy tham gia vào sản xuất khẩu trang và các thiết bị y tế cần thiết. Điều này khiến cho chính phủ Trung Quốc rất vất vả trong việc kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu.

Do đó, các chính phủ nước ngoài đã gạch bỏ việc mua hàng từ các nhà máy tư nhân để giảm thiểu tối đa rủi ro mua phải các thiết bị y tế chất lượng kém. Giới chức quốc tế cho rằng chính phủ Trung Quốc có một kho dự trữ PPE để trao đổi và hỗ trợ.

Đầu tuần này, trong một cuộc gọi với người đồng cấp Trung Quốc Wang Yi, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã cảm ơn Trung Quốc vì đã hỗ trợ các đơn hàng khẩn cấp phục vụ cho các nguồn lực y tế đang rất vất vả để chống lại đại dịch Covid-19. Trong khi đó, vào hôm thứ Năm chính phủ Anh nhận một lô hàng đồ bảo hộ y tế trước đó đã đặt mua từ Trung Quốc.

Hương Vũ

Theo SCMP

Tin liên quan