Đội tàu cá Trung Quốc đã nhận một số chỉ trích trong thời gian qua liên quan tới hành vi đánh bắt trên vùng biển quốc tế (Ảnh minh họa: Xinhua)
Theo SCMP, lệnh cấm của Trung Quốc áp dụng cho các tàu cá của nước này bắt mực ở các khu vực Đại Tây Dương và Thái Bình Dương trong 3 tháng. Động thái của Bắc Kinh đến trong bối cảnh một số tổ chức môi trường và một số quốc gia cảnh báo rằng đội tàu cá khổng lồ của Trung Quốc có thể đánh bắt cạn kiệt một số loại hải sản.
Theo Bộ Nông nghiệp và các vấn đề nông thôn Trung Quốc, lệnh cấm có hiệu lực từ tháng 7 và cấm mọi tàu cá của Bắc Kinh hoạt động ở các khu vực cụ thể, vốn là nơi sinh sản của mực ống - hải sản mà đội tàu cá Trung Quốc đánh bắt chính ở vùng biển quốc tế.
Phó thư ký hiệp hội nông nghiệp hợp tác quốc tế Trung Quốc Liu Yadan, cho rằng lệnh cấm đánh bắt ở vùng biển quốc tế lần đầu tiên cho thấy Trung Quốc đang sẵn lòng và chủ động hợp tác với các quốc gia ven biển liên quan và các tổ chức quốc tế trong việc xây dựng các khuyến nghị và biện pháp để bảo vệ tài nguyên hàng hải ở khu vực biển quốc tế.
Động thái của Trung Quốc diễn ra vào thời điểm các đội tàu cá của Bắc Kinh đang bị chỉ trích vì sự xuất hiện đông đảo xung quanh khu bảo tồn biển Galapagos của Ecuador. Quốc gia Nam Mỹ cho biết họ đã phát đi khiếu nại về đội tàu và thông báo cho chính quyền Trung Quốc rằng Ecuador sẽ bảo vệ quyền hàng hải của họ.
Các đội tàu cá của Trung Quốc cũng xuất hiện ở gần châu Phi và bán đảo Triều Tiên.
Hồi cuối tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát đi một thông báo về hiện trạng các tàu cá đánh bắt xung quanh quần đảo Galapagos và chỉ trích các tàu này vi phạm quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển và làm hỏng hệ sinh thái.
Trung bình, đội tàu của Trung Quốc đánh bắt khoảng 70% sản lượng mực trên toàn cầu. Họ có trên 600 tàu đánh bắt mực, thu về 520.000 tấn trong năm 2018, theo số liệu của học viện Đại dương Trung Quốc.
Làn sóng chỉ trích
Các khu vực biển quốc tế mà Trung Quốc đặt lệnh cấm là 2 ngư trường đánh bắt mực quan trọng nhất của các đội tàu Bắc Kinh. Một là khu vực Nam Đại Tây Dương gần Argentina với 200 tàu cá Trung Quốc hoạt động. Hai là khu vực trên Thái Bình Dương gần Ecuador.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc nói rằng toàn bộ tàu cá nước này đã rời Nam Đại Tây Dương khi lệnh cấm được ban hành. Phần lớn các tàu đi ra khu vực Thái Bình Dương hoặc vùng biển quốc tế khác.
Theo quan chức Liu, Trung Quốc cũng sẽ có các biện pháp bảo vệ với các loài khác như cá ngừ và cá thu Thái Bình Dương.
Theo chuyên gia Wang Songlin của tổ chức Hội bảo tồn biển Thanh Đảo (Trung Quốc), lệnh cấm của Trung Quốc là một bước đi tích cực nhưng chưa phải là một biện pháp quyết liệt. “Nếu sau khi lệnh cấm được gỡ bỏ, các hoạt động đánh bắt nối lại và lượng hải sản đánh bắt vượt quá quy mô hệ sinh thái, thì hiệu quả bảo tồn từ lệnh cấm sẽ không có ý nghĩa vì đánh bắt quá mức”, ông Wang nói.
Chuyên gia này cho rằng cần có nhiều biện pháp cần thực hiện khác như giảm số lượng tàu cá, thiết lập các khu vực bảo tồn hàng hải…
Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhắc tới yếu tố nhân đạo liên quan tới ngành đánh bắt cá của Trung Quốc.
Giới quan sát cho rằng do sự xuất hiện đông đúc của tàu cá Trung Quốc ở gần khu vực bán đảo Triều Tiên, khiến đội tàu cá quy mô nhỏ của Triều Tiên mất đi ngư trường truyền thống và buộc phải đi xa hơn để đánh bắt.
Những tàu cá Triều Tiên buộc phải đi tới vùng biển xa hơn và gặp nhiều rủi ro bị tai nạn, đôi khi trở thành những “tàu ma” trôi dạt vào bờ biển của các quốc gia khác.
Đức Hoàng
Theo SCMP