Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Reuters)
Năm năm trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra một quyết định quan trọng khi thể hiện mong muốn trong việc cải tổ nền kinh tế Trung Quốc trở thành kinh tế thị trường. Tuy nhiên, sau chừng đó năm, kế hoạch của ông Tập dường như vẫn chưa thành hiện thực.
Trước mắt, ông Tập đã đưa ra 2 mục tiêu. Thứ nhất, ông muốn kinh tế Trung Quốc giảm phụ thuộc vào tín dụng, các khoản nợ cũng như mô hình doanh nghiệp nhà nước. Thứ hai, Bắc Kinh có xu hướng ưu tiên phát triển nóng nền kinh tế thay vì các mục tiêu nâng cấp lâu dài. Tuy nhiên, chính sách cứng rắn của Mỹ đang đe dọa tới 2 mục tiêu này.
Ban đầu, Trung Quốc dường như nhận định rằng Mỹ chỉ đang “thổi phồng” những lời đe dọa để "nắn gân" Bắc Kinh. Bắc Kinh tính toán rằng, chính quyền ông Trump có thể sẽ đánh thuế vào một số hàng hóa của Trung Quốc như là một chiêu thức thương lượng do Tổng thống Mỹ vốn là người nổi tiếng với nghệ thuật đàm phán. Thực tế là, những đời tổng thống trước đó cũng có các chính sách chống Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh cho rằng đó là một động thái mang lại uy tín chính trị nhiều hơn, theo Politico.
Trung Quốc lần lượt đáp trả khi Mỹ đánh thuế vào 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Bắc Kinh. Họ cho rằng con số trên có thể đủ làm thỏa mãn Giám đốc Hội đồng Thương mại Quốc gia Mỹ Peter Navarro, người có quan điểm chống Trung Quốc mạnh mẽ, cũng như những chính trị gia theo chủ nghĩa bảo hộ khác trong chính quyền ông Trump.
Tuy nhiên, vào tháng 9, chính quyền ông Tập nhận ra rằng khoản 50 tỷ USD chưa phải là điểm dừng cuối cùng. Chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục áp thuế lên 200 tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc. Sau đó, trong bài phát biểu ngày 4/10, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khẳng định cứng rắn rằng: “Chúng tôi sẽ không lùi bước”, dấu hiệu cho thấy năm 2019 có thể sẽ là một năm “sóng gió” hơn với Trung Quốc.
Theo Politico, bài phát biểu của ông Pence dường như ngầm xác nhận một điều rằng cuộc chiến thương mại của ông Trump nhằm mục đích đáp trả Trung Quốc nhiều hơn là tạo công ăn việc làm cho người Mỹ. Và ông Trump có thể tiếp tục giữ quan điểm cứng rắn và thậm chí cứng rắn hơn nữa để tạo thành lợi thế cạnh tranh trong cuộc tái tranh cử tổng thống năm 2020. Bỏ qua Nga, ông Pence thậm chí nhấn mạnh: “Trung Quốc là nước can thiệp bầu cử thật sự”.
Thay đổi chiến lược
(Ảnh minh họa: Youtube)
Sáu tháng trước, Bắc Kinh vẫn còn đang ấp ủ kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025”, kế hoạch nhằm chuyển trọng tâm từ nghiên cứu đầu tư trong nước sang đổ tiền vào các thị trường nước ngoài với tham vọng trở thành bá chủ công nghệ thế giới.
Hiện thời, những đòn tấn công tới tấp từ Mỹ dường như đã khiến Bắc Kinh tạm gác lại ưu tiên phát triển mục tiêu trên sang một bên. Thay vào đó, họ được cho là đang đối diện với những tổn thất đầu tiên từ các “phát súng” của Mỹ. Đồng nhân dân tệ Trung Quốc đã giảm giá trị 6,4% trong năm nay. Chỉ số chứng khoán ở sàn giao dịch Thượng Hải giảm 22,3%. Công ty tài chính Mỹ JPMorgan Chase hay các ngân hàng đầu tư tỏ ra thận trọng hơn với thị trường Trung Quốc.
Căng thẳng vẫn chưa chấm dứt với Trung Quốc vì ông Trump cảnh báo rằng ông có thể sẽ kích hoạt giai đoạn 3, nghĩa là áp thuế vào phần hàng hóa xuất khẩu còn lại từ Trung Quốc sang Mỹ, nâng tổng số hàng chịu thuế lên mức 505 tỷ USD.
Chính những điều đó đã buộc chính quyền của ông Tập phải ban hành các chính sách nhằm đảm bảo mức tăng trưởng ổn định cho nền kinh tế trước các động thái của Mỹ. Họ ban hành các chính sách giảm thuế, kích thích cho vay kinh doanh, đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng… Politico cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay của Trung Quốc có thể sẽ không trở thành hiện thực.
Trên thực tế, Politico nhận định những sự kiện lớn gần đây xảy ra ở Trung Quốc đều một phần nào đó bị ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Ví dụ như trường hợp của ngôi sao điện ảnh Phạm Băng Băng, người bị cáo buộc trốn thuế 129 triệu USD. Sâu xa hơn, trường hợp của cô gợi nhắc về mục tiêu khác của chính quyền Trung Quốc, đó chính là việc họ phải kiểm soát dòng tiền trong nước, ngăn chặn giới thượng lưu, trung lưu chuyển khối tài sản ra bên ngoài Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Một trường hợp đáng chú ý khác là vụ bắt giữ ông Mạnh Hoành Vĩ, cựu giám đốc Interpol người Trung Quốc vì cáo buộc hối lộ. Đây là động thái cho thấy quyết tâm của chính phủ Trung Quốc trong việc kiểm soát những vấn đề tham nhũng, thất thoát ngân sách một cách triệt để, dù tác động của hành động này có thể vươn xa ra tầm quốc tế.
Nhận định về quan hệ Mỹ-Trung, nhà phân tích Arthur Kroeber của tổ chức Gavekal Research (trụ sở ở Hong Kong) cho rằng: “Mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại, đầu tư, công nghệ, và các vấn đề địa chính trị khác sẽ tiếp tục leo thang” trong tương lai gần.
Đức Hoàng
Theo SCMP