Fica
  1. Quốc tế

Trung Quốc biến Thâm Quyến thành “động cơ lõi” cho cỗ máy cải cách

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Trung Quốc muốn biến thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông thành “động cơ lõi” cho mục tiêu cải cách nhằm mang lại sự tăng trưởng cho khu vực giống các mô hình của Mỹ và Nhật Bản.

Trung Quốc biến Thâm Quyến thành “động cơ lõi” cho cỗ máy cải cách - 1

Thâm Quyến hiện được xem là "thủ phủ công nghệ" Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa Xã)

SCMP đưa tin, kế hoạch của Trung Quốc được công bố ngay trước khi Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến có bài phát biểu quan trọng tại Thâm Quyến vào ngày 14/10 nhằm đánh dấu 40 năm thành phố này trở thành đặc khu.

Sau 40 năm, Thâm Quyến - thành phố giáp biên giới với Hong Kong - đã phát triển nhanh chóng từ một làng chài thành một thủ phủ công nghệ cao, với biệt danh “thung lũng Silicon” của Trung Quốc.

Theo kế hoạch kéo dài trong giai đoạn 2020-2025, Trung Quốc muốn trao thêm nhiều quyền tự chủ cho Thâm Quyến trong việc sử dụng đất đai, công nghệ, cải tiến, nền kinh tế dữ liệu số và tuyển dụng người nước ngoài. Tuy nhiên, kế hoạch không đề cập quá nhiều tới cách Thâm Quyến có thể áp dụng để vượt qua những khó khăn hiện tại, như môi trường thương mại quốc tế bất lợi hay các biện pháp kiềm chế Trung Quốc của Mỹ.

Kế hoạch cũng kêu gọi Thâm Quyến nắm vai trò lãnh đạo trong nỗ lực cải cách vùng Vịnh lớn. Trung Quốc dự kiến đưa Hong Kong, Ma cao, Thâm Quyến, Quảng Châu và 7 thành phố khác tại Quảng Đông trở thành một trung tâm kinh tế và kinh doanh, để có thể so sánh với khu vực vùng Vịnh San Francisco (Mỹ) hay khu vực Vịnh Tokyo (Nhật Bản).

Trong kế hoạch, Trung Quốc muốn biến Thâm Quyến thành “động cơ lõi” nhằm mang lại sự cải cách và phát triển cho vùng Vịnh lớn, đồng thời trở thành ví dụ cho việc xây dựng thành phố kiểu mẫu “có thể đại diện cho một đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại và sôi động”.

Theo chuyên gia từ viện Phát triển Trung Quốc Guo Wanda, bản kế hoạch nêu rõ mục tiêu đưa Thâm Quyến thành thành phố tiên phong trong mục tiêu mở cửa nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, ông Guo cũng cảnh báo tình hình Thâm Quyến đã khác rất nhiều so với cách đây 40 năm vì thành phố này cũng đang đối mặt với thách thức về việc thiếu đất đai và dịch vụ công.

Zhang Hongqiao, thành viên của Hội đồng Nhân dân thành phố Thâm Quyến, cho rằng Trung Quốc không nên coi kế hoạch trên là “cây đũa thần” cho Thâm Quyến. Ông Zhang cho rằng thành phố này đang tồn tại một số yếu tố liên quan tới mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Khi Mỹ đang áp hàng loạt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei, Thâm Quyến được xem là sẽ lâm vào tình cảnh “chật vật”. 

Đức Hoàng

Theo SCMP