Fica
  1. Quốc tế

Trung Quốc bác tin tiếp quản căn cứ quân sự Mỹ tại Afghanistan

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Trung Quốc phủ nhận thông tin chuẩn bị tiếp quản một sân bay quân sự tại Afghanistan, nơi từng là căn cứ lớn nhất của Mỹ tại nước này.

Trung Quốc bác tin tiếp quản căn cứ quân sự Mỹ tại Afghanistan - 1

Sân bay Bagram rơi vào tay Taliban sau khi lực lượng Mỹ và NATO rút khỏi Afghanistan (Ảnh: Xinhua).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin ngày 7/9 cho biết Bắc Kinh không đàm phán với Taliban để chuyển giao quyền sử dụng sân bay Bagram nhằm phục vụ các nhu cầu hoạt động.

"Tôi chỉ có thể nói với mọi người rằng đó là thông tin hoàn toàn sai sự thật", ông Wang cho biết.

Tuần trước, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley cho rằng Washington cần phải theo dõi hành động của Trung Quốc sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan.

"Chúng ta cần theo dõi Trung Quốc, bởi vì tôi nghĩ Trung Quốc đang có động thái tại căn cứ không quân Bagram. Tôi nghĩ rằng họ cũng đang hành động ở Afghanistan và cố gắng sử dụng Pakistan như đòn bẩy mạnh mẽ hơn để chống lại Ấn Độ", bà Haley nói.

Các lực lượng quân đội Mỹ đã trao quyền kiểm soát sân bay Bagram cho quân đội Afghanistan vào ngày 2/7. Ngày 31/8, chuyến bay cuối cùng chở các binh sĩ Mỹ đã rời thủ đô Kabul, khép lại cuộc chiến dài nhất của Mỹ.

Nằm cách Kabul 45 km, Bagram từng là nơi tập trung sức mạnh quân sự của Mỹ ở Afghanistan trong gần 20 năm. Căn cứ này được trang bị nhiều cơ sở vật chất bao gồm một đường băng, một bệnh viện 50 giường và một nhà tù có khả năng chứa hàng nghìn người.

Giới quan sát nhận định, Trung Quốc đang có xu hướng xích lại gần Taliban vì điều này sẽ có lợi cho Bắc Kinh, chấp nhận thực tế rằng Taliban đang nắm quyền ở Afghanistan.

Trung Quốc từng bày tỏ hy vọng rằng tình hình Afghanistan có thể ổn định và nước này sẽ không trở thành cái nôi sinh sôi của chủ nghĩa cực đoan, trong đó có Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM). Bắc Kinh nhiều lần cáo buộc ETIM, nhóm được cho có quan hệ với Taliban, sử dụng Afghanistan làm căn cứ để đào tạo lực lượng nhằm thực hiện các vụ tấn công ở Tân Cương, Trung Quốc.

Trong cuộc gặp với giới chức Trung Quốc hồi tháng 7, Taliban cam kết sẽ "không bao giờ cho phép bất cứ lực lượng nào sử dụng lãnh thổ Afghanistan để gây ra các kế hoạch đe dọa tới an ninh quốc gia Trung Quốc".

Taliban vẫn duy trì quan hệ nồng ấm với Bắc Kinh kể từ khi lực lượng này lên nắm quyền tại Afghanistan. Taliban gọi Trung Quốc là quốc gia thân thiện, láng giềng vĩ đại, người bạn thân thiết, đồng thời hoan nghênh sự tham gia của Trung Quốc trong việc tái thiết và phát triển Afghanistan.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 6/9 không trả lời trực tiếp khi được hỏi liệu họ có phải là một trong 6 quốc gia được mời tham dự sự kiện công bố chính quyền mới của Afghanistan hay không, tuy nhiên Bắc Kinh đã nhắc lại lập trường của mình.

"Chúng tôi luôn tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Afghanistan, ủng hộ người dân Afghanistan tìm kiếm con đường phát triển phù hợp với điều kiện của đất nước", ông Wang nói.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh luôn ủng hộ Afghanistan trong việc "xây dựng một chính phủ cởi mở, toàn diện, tuân theo các chính sách đối nội và đối ngoại ôn hòa và ổn định, kiên quyết chống lại mọi hình thức khủng bố và có quan hệ hữu nghị với tất cả các nước, đặc biệt là các nước láng giềng".

Thành Đạt

Theo SCMP