Fica
  1. Quốc tế

Trung Quốc âm thầm từng bước gia tăng ảnh hưởng tại châu Âu

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Trung Quốc đầu tư nhiều hơn vào các nước châu Âu thông qua những thương vụ hợp tác. Tuy nhiên, điều giới quan sát lo ngại rằng những khoản tiền Trung Quốc bỏ ra dường như vì mục đích chính trị nhiều hơn là vì mục đích kinh tế thuần túy.

 

Tổng thống Cộng hòa Séc Milos Zeman (thứ 3 từ trái sang) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ 2 từ phải sang) trong chuyến thăm của ông Tập tới Prague năm 2016 (Ảnh: Czech News)

 

Khi ông Tập Cận Bình trở thành Chủ tịch Trung Quốc đầu tiên thăm Cộng hòa Séc kể từ 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào 2 năm trước, đã có một nhân vật đặc biệt đi theo tháp tùng ông Tập, ông Ye Jiangming. Ông Ye được New York Times mô tả là một tài phiệt có tham vọng chính trị, giàu có và có mối quan hệ khá đặc biệt với Tổng thống Séc Milos Zeman.

Ông Ye là doanh nhân duy nhất có mặt trong phái đoàn gồm toàn các quan chức Trung Quốc và Séc tại dinh thự mùa hè của ông Zeman. Ye cũng là người đã mạnh tay chi tiền mua một một khu bất động sản, một nhà máy bia, một đội bóng đá rất được yêu thích ở Séc, dấu hiệu cho thấy doanh nhân này chính là trung gian kết nối giữa Prague và Bắc Kinh.

Cuộc gặp năm 2006 dường như là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc vào thời điểm đó đã có tham vọng muốn gia tăng ảnh hưởng tại châu Âu.

Chỉ trong đúng 2 năm, công ty mà ông Ye quản lý, tập đoàn năng lượng CEFC Trung Quốc đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào Séc. Ông Ye thuê những cựu quan chức cấp cao Séc làm việc trong các thương vụ đầu tư ở quốc gia đông Âu. Thậm chí, ông Ye còn được ông Zeman bổ nhiệm làm cố vấn kinh tế đặc biệt của Tổng thống Séc. Ông Zeman từng tuyên bố ông hy vọng những khoản đầu tư từ Trung Quốc sang Séc sẽ trở thành “tàu sân bay không thể chìm”.

Tuy nhiên, hồi đầu năm 2018, ông Ye đã vướng vào vòng lao lý với cáo buộc hối lộ lãnh đạo cấp cao nước ngoài để giành lợi thế làm ăn ở châu Phi. Sự biến mất đột ngột của trung gian quan trọng nhất đã khiến phe đối lập với Tổng thống Zeman lên tiếng cảnh báo rằng Séc không nên gắn vận mệnh và tương lai vào tay Trung Quốc.

Theo New York Times, Trung Quốc trong những năm qua dường như không giấu diếm tham vọng gia tăng ảnh hưởng toàn cầu thông qua nhưng khoản đầu tư, thương vụ làm ăn và những phương pháp khác. Giới quan sát cảnh báo rằng một khi mối liên kết với Trung Quốc trở nên chặt chẽ hơn, hệ thống chính trị của các nước đối tác sẽ có thể rơi vào tình trạng "đưa ra quyết định sau cánh gà". Các khoản đầu tư có thể sẽ bị chi phối bởi các yếu tố chính trị, nhiều hơn các chỉ số kinh tế và tài chính và có thể sẽ xuất hiện những “con voi trắng”, ám chỉ những dự án tốn kém, không hiệu quả, không xứng đáng với sự đầu tư.

Ngay sau khi ông Ye bị bắt, Trung Quốc đã nhanh chóng cử một công ty quốc doanh tới tiếp quản “đế chế” mà ông Ye để lại. Giới quan sát cho rằng mối liên hệ giữa Séc và chính phủ Trung Quốc có thể sẽ được củng cố vững chắc hơn nữa.

Các chuyên gia nhận định rằng, khi ông Zeman thắng Tổng thống Séc, châu Âu đã có nhiều thay đổi. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, lục địa này phải đối diện với hàng loạt những vấn đề từ cuộc khủng hoảng nhập cư, phong trào ly khai hay mâu thuẫn nội bộ trong các khối, liên minh kinh tế, chính trị. Khi Mỹ và Tây Âu đang tập trung giải quyết các vấn đề, thì Trung Quốc, một nền kinh tế tăng trưởng nhanh vào thời điểm đó, đã tiếp cận tới Đông Âu và Trung Âu, và đưa ra những khoản đầu tư hấp dẫn.

Trung Quốc đã sáng lập nên mô hình 16+1 nhằm tăng cường và mở rộng hợp tác với 11 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu EU và 5 nước khu vực Tây Balkan. Sáng kiến này sau đó đã trở thành diễn đàn nơi Trung Quốc đưa ra những đề xuất cho khối như việc xây dựng đường xe lửa tốc độ cao, hay tham vọng biến các nước trở thành mắt xích trong sáng kiến “vành đai, con đường” của Bắc Kinh với các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, những khoản đầu tư của Trung Quốc có thực sự hiệu quả hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. CEFC đã mua cổ phần ở Florentinum, một trong những khu tổ hợp văn phòng lớn nhất Prague, đầu tư vào hãng hàng không quốc gia Séc, 2 khách sạn và những tòa nhà từ thời Phục Hưng. CEFC cũng mua thương hiệu bia có 700 tuổi.

Với giới quan sát, họ cho rằng những thương vụ của công ty Trung Quốc là vội vàng và không có quá nhiều ý nghĩa. Chuyên gia Olga Lomova từ Đại học Charles tại Prague cho rằng những khoản tiền của Trung Quốc không phải là những khoản đầu tư có hiệu quả vì dường như chúng không mang mục đích kinh doanh đơn thuần.

Đức Hoàng

Theo New York Times

Tin liên quan