Fica
  1. Quốc tế

Trọng tâm chiến lược của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Các chuyên gia cho rằng, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chuẩn bị cho một thời đại mới - thời đại “cạnh tranh nước lớn” - với trong tâm chiến lược là châu Âu và châu Á.

Trọng tâm chiến lược của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Theo giới quan sát, chính sách đối ngoại của Mỹ từ khi ông Donald Trump nắm quyền ở Nhà Trắng đã có phần bị xáo trộn, nhất là vị thế lãnh đạo toàn cầu của Washington có phần bị suy giảm trong đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chuẩn bị cho một thời đại mới - thời đại “cạnh tranh nước lớn” - với trong tâm chiến lược là châu Âu và châu Á. Tuy nhiên, việc xử lý đại dịch Covid-19 có ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tái đắc cử của ông.

Đối phó Trung Quốc trỗi dậy, Nga "hồi sinh"

Theo giới chuyên gia, Mỹ hiện đang đối mặt với các đối thủ mạnh và tham vọng hơn nhiều so với bất cứ thời điểm nào trong lịch sử cận đại. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã từng tranh luận về sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự hồi sinh của Nga có ảnh hưởng như thế nào đối với vị thế của Mỹ.

Trung Quốc hiện đang tìm kiếm sự ảnh hưởng không chỉ ở trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, mà còn xa hơn đó là trên phạm vi toàn cầu. Trong khi Bắc Kinh đang trở thành đối thủ mạnh nhất của Washington thì Nga đã vượt trên sự ngang hàng và triển khai sức mạnh theo hướng khôi phục ưu thế ở Đông Âu và hạn chế sức mạnh của phương Tây.

Washington hiện đang có lợi thế, bởi sự sẵn sàng và khả năng áp dụng cách tiếp cận cạnh tranh mạnh mẽ hơn đối với các đối thủ về quân sự, kinh tế và ngoại giao. Đồng thời được sự ủng hộ của lưỡng đảng nhiều hơn với cách tiếp cận cứng rắn đối với các đối thủ của ông Trump.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, đây chỉ là khởi đầu cho điều mà có khả năng là một nỗ lực kéo dài hàng thập niên, thậm chí cả một thế hệ. Bởi Trung Quốc hiện vẫn chưa có dấu hiệu từ bỏ sự chi phối châu Á, còn Moscow cũng ít khả năng "cài đặt lại" quan hệ với phương Tây nhưng lại gia tăng quan hệ đối tác với Bắc Kinh.

Để ngăn chặn nỗ lực trỗi dậy và phục hồi của đối thủ, Mỹ phải duy trì cán cân sức mạnh trong cả 2 khu vực, phải xây dựng và duy trì các liên minh với cả châu Á và châu Âu. Mỹ khó có thể tự mình cân bằng với cả hai đối thủ cạnh tranh nên Washington được dự đoán sẽ đưa ra nhiều yêu cầu hơn nữa đối với các đồng minh và đối tác, thậm chí gây sức ép khi cần thiết.

Ông Henry Kissinger, cựu Cố vấn an ninh quốc gia và Ngoại trưởng Mỹ, đã viết trên tờ Financial Times năm 2018 rằng: Ông “Trump có thể là một trong những nhân vật trong lịch sử đôi khi xuất hiện để đánh dấu sự kết thúc một thời đại và buộc nó phải từ bỏ những kỳ vọng trước đây”. Chính ông Trump đã tạo ra cơ hội để đưa ra một chiến lược lớn và mới.

Trong các Chiến lược An ninh quốc gia-2017, Quốc phòng-2018, Ấn Độ-Thái Bình Dương... Mỹ đã coi quan hệ với Trung Quốc, Nga là mang tính cạnh tranh và sẽ phải tập trung nỗ lực vào việc duy trì lợi thế trước hai đối thủ này. Vì thế, cạnh tranh nước lớn sẽ trở thành trọng tâm chính trong an ninh quốc gia Mỹ trong tương lai gần.

Mục đích sự điều chỉnh chiến lược là cần duy trì mục tiêu của chính sách đối ngoại của Mỹ như thời kỳ sau Thế chiến II. Theo đó, quyền tự do của các quốc gia, đặc biệt là các đồng minh của Mỹ, phải được bảo đảm. Điều đó chỉ có thể được thực hiện khi Washington có ưu thế về sức mạnh và tiềm lực kinh tế của chính mình.

Trong Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương năm 2019, Lầu Năm góc cho rằng, mối quan tâm hàng đầu của họ ngày nay là bảo vệ hiệu quả các vùng lãnh thổ như khu vực Baltic trước một cuộc tấn công tiềm tàng của các nước lớn, nhất là một cuộc tấn công dựa trên “sự đã rồi”...

Sau nhiều thập niên tập trung không cân xứng vào Trung Đông, các văn kiện chiến lược gần đây đã được khắc phục và nêu rõ: Châu Á và châu Âu hiện là nơi có những mối đe dọa lớn nhất đối với sức mạnh Mỹ và mục tiêu trung tâm của Mỹ, nên việc đối phó các nước lớn ở cả hai khu vực này là cần thiết. Đây là một sự điều chỉnh đáng chú ý so với các chiến lược an ninh của Mỹ trước đó.

Sáng kiến ngoại giao nổi bật được ghi nhận là nỗ lực của Mỹ nhằm cân bằng tài chính với các đồng minh và làm sâu sắc thêm quan hệ với các nước, đồng thời tận dụng ảnh hưởng tăng cường hỗ trợ quản trị và đấu tranh chống tham nhũng và chỉ ra rủi ro khi liên kết với với một số nước lớn.

Và ai sẽ quyết định trật tự thế giới?

Theo các chiến lược gia, Mỹ hiện đang bước vào cuộc đấu tranh kéo dài về việc ai sẽ quyết định hoạt động của thế giới trong thế kỷ 21. Việc thừa nhận và thúc đẩy sự đánh giá lại về các ưu tiên quân sự, kinh tế và ngoại giao của Mỹ mà các chính quyền hiện nay và trong tương lai sẽ cần phải xúc tiến là rất cấp thiết.

Làm như vậy sẽ đồng nghĩa với việc từ bỏ những giấc mơ trước đây về ưu thế quân sự không giới hạn mà Mỹ đã từng có, cùng những hệ thống vũ khí nay không còn phù hợp, đồng thời yêu cầu các đồng minh của Mỹ phải đóng góp nhiều hơn về tài chính.

Điều đó cũng có nghĩa là sự đòi hỏi Mỹ phải tăng thêm lợi thế công nghệ của Washington trong các lĩnh vực có liên quan về chiến lược mà không làm suy yếu cam kết của Mỹ với thương mại tự do quốc tế, trong khi tập trung mạnh mẽ hơn vào châu Á, châu Âu mà vẫn không xao nhãng các khu vực khác.

Theo giới chuyên gia, Mỹ hiện vẫn đang khó khăn trong việc củng cố liên minh tại châu Âu và xây dựng liên minh với châu Á sao cho phù hợp, để vừa hội nhập tất yếu với Trung Quốc, nhưng lại kiềm chế được tham vọng khu vực và toàn cầu của Bắc Kinh và Moscow.  

Như vậy, trong quá khứ cũng như tương lai, Mỹ chỉ có thể đảm bảo an ninh và thịnh vượng của riêng mình như một xã hội tự do, chừng nào Washinton đảm bảo được các cán cân sức mạnh có lợi của họ, ở đó quan trọng nhất là chuẩn bị sẵn sàng một cách có hệ thống cho xã hội, nền kinh tế và các đồng minh của mình trước một cuộc cạnh tranh kéo dài với các đối thủ lớn, có năng lực và quyết tâm đe dọa mục tiêu toàn cầu của nước Mỹ.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, sau đại dịch Covid-19, vị thế của nước Mỹ và Tổng thống Trump sẽ có sự thay đổi nhất định. Vì thế, việc định hình chiến lược toàn cầu của Washington theo chủ thuyết “Nước Mỹ trên hết” có thể bị chững lại, khiến lời giải cho bài toán "đại chiến lược" của Mỹ vẫn còn đang ở phía trước.

Nguyễn Nhâm