Ông Emmerson Mnangagwa công nhận rằng đồng RTGS của nước mình không phải tiền thật. (Nguồn: ALEXANDER JOE/AFP/Getty Images)
Tổng thống Emmerson Mnangagwa đã khiến người dân Zimbabwe choáng váng khi ông chê bai đồng tiền hợp nhất của trái phiếu và các loại tiền điện tử (RTGS) mà chính phủ của ông đưa ra để cố gắng giải quyết tình trạng thiếu tiền mặt rất lớn ở nước này.
Phát biểu sau khi nhận được khoản tài trợ 2,5 triệu USD từ chính phủ Hoa Kỳ để giúp phục hồi sau hậu quả của cơn bão nhiệt đới Cyclone Idai, ông Mnangagwa thừa nhận loại tiền mà người dân Zimbabwe đang sử dụng cho hầu hết các giao dịch tài chính của họ không phải là tiền thật.
Sự thừa nhận đáng ngạc nhiên của vị tổng thống này đã được nói ra khi đồng RTGS tiếp tục giảm so với đồng USD vào tuần trước, dẫn đến giá hàng hóa và các dịch vụ khác tăng vọt.
Tuy nhiên, không nhiều người mong đợi tổng thống sẽ công khai hạ cấp đồng tiền của mình khi gần đây, chính phủ của ông vẫn cho rằng đồng RTGS này ngang giá với đồng USD.
Theo một số nguồn tin địa phương, ông Mnangagwa khá hào hứng về khoản tài trợ của Hoa Kỳ, dường như ông cho rằng đây là sự chứng thực từ Tổng thống Donald Trump.
“Một trong những điều thú vị nhất là khoản quyên góp của ông Trump. Ông ấy đã gửi đại sứ của mình cùng với 2,5 triệu USD cho Zimbabwe”, ông Mnangagwa nói.
“2,5 triệu USD thật chứ không phải đồng RTGS và nói rằng chúng ta nên dùng số tiền này để tự giúp mình, nhưng nếu Zimbabwe cần gì thêm, Mỹ cũng có một trạm hàng ở Nam Phi và Mỹ có thể viện trợ thêm cho Zimbabwe”, đại diện Mỹ cho biết.
Tuần trước, đồng USD giao dịch ở mức 1:4,5 với đồng nội tệ tại thị trường chợ đen, theo đó, đã giảm từ mức 1:3,5 của tuần trước đó khi đồng RTGS tiếp tục rớt giá mạnh.
Các nhà bán lẻ do đó buộc phải điều chỉnh giá bất cứ khi nào tỷ giá của đồng RTGS giảm so với đồng USD.
Nguyên nhân của sự tăng giá này là do sự thiếu hụt ngoại tệ khi ngành công nghiệp đang vật lộn để có đủ đồng USD để nhập nguyên liệu cho sản xuất.
Tuy nhiên, hầu hết các công ty không thể có ngoại tệ từ thị trường liên ngân hàng chính thức.
Kể từ khi được giới thiệu, thị trường ngoại tệ chính thức phần lớn vẫn chỉ là một ảo ảnh, khi nó xếp sau thị trường chợ đen, nơi giao dịch hàng trăm ngàn USD mỗi ngày nhờ những đồng kiều hối của những người lưu vong.
Các đợt tăng giá đã phổ biến kể từ tháng 9/2018 và chứng kiến lạm phát chạm mức cao nhất trong 10 năm tới gần 60%.
Trong hai tuần qua, thuế di động, phí ngân hàng, giá vé đi lại và giá nhiên liệu đều tăng, trong khi các cửa hàng bán lẻ cũng tăng giá các mặt hàng như bột mì, gạo và đồ uống.
Cơ quan cung cấp điện của Zimbabwe cũng đề xuất mức thuế 30%.
Các nhà phân tích cho rằng, việc tăng giá chỉ là biểu hiện về sự thất bại của chính phủ Zimbabwe trong việc quản lý nền kinh tế.
“Những thách thức về ngoại tệ là không thể tránh khỏi vì chúng tôi không làm ra ngoại tệ được. Nhưng chúng tôi vẫn mất cân bằng kinh tế vì nhập quá nhiều hàng hóa bao gồm cả các loại thực phẩm như đậu nành và lúa mì mà chúng tôi có thể tự sản xuất”, chuyên gia kinh tế John Robertson nói.
Hồng Vân (Tổng hợp)