Cụ thể, theo thông báo ngày 31-8, ông Trump không dự hội nghị Mỹ - ASEAN, Thượng đỉnh Đông Á (EAS) ở Singapore và Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Papua New Guinea.
Thay vào đó, Phó Tổng thống Mike Pence sẽ có mặt và "nhấn mạnh tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở, dựa trên sự tôn trọng chủ quyền, luật pháp và các nguyên tắc thương mại tự do, công bằng, tương hỗ".
Không đến châu Á, ông Trump sẽ dự lễ diễu binh ở Paris - Pháp vào ngày 11-11 để kỷ niệm 100 năm thỏa thuận đình chiến kết thúc Thế chiến I. Sau đó, cùng tháng, ông sang thăm Ireland, tiếp theo là tới Argentina dự hội nghị của Nhóm 20 và có mặt ở Colombia để bàn về các vấn đề an ninh, chống ma túy cùng chương trình nghị sự khu vực.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence sẽ tham dự các hội nghị châu Á quan trọng vào cuối năm nay Ảnh: REUTERS
Theo Straits Times, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2013, một tổng thống Mỹ bỏ qua hội nghị Mỹ - ASEAN và EAS. Vào năm 2013, tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama phải ở lại Washington để xử lý vụ chính phủ bị đóng cửa và cử Phó Tổng thống Joe Biden đi thay.
Tuy nhiên, với sự vắng mặt năm nay, nhiều chuyên gia cho rằng ông Trump đã tự tạo ra khoảng cách chính trị giữa Mỹ với một số đồng minh lớn trong khu vực, đặc biệt là gây ngờ vực đối với quyết tâm và khả năng đối trọng với Trung Quốc của chính quyền ông Trump. Bà Sue Mi Terry, cựu chuyên gia Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và hiện là chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế, nhận xét sự vắng mặt của ông Trump sẽ bị xem là chứng cứ ông "thiếu vun đắp quan hệ với các đồng minh của Mỹ".
"Hàn Quốc lo ngại ông Trump quá cứng rắn với Triều Tiên trong khi Nhật Bản lại sợ ông quá mềm mỏng. Cả 2 nước đều chưa xem ông là đồng minh đáng tin cậy. Việc tham gia các hội nghị ở châu Á sẽ có ích cho các mối quan hệ này và củng cố sự đoàn kết trước Trung Quốc, nước mà ông Trump đã gây chiến thương mại" - bà Terry phân tích với báo The New York Times.
Cùng chung nhận định, hãng tin Bloomberg cho rằng việc ông Trump bỏ họp chỉ càng khiến đồng minh thêm bất an. Dù Washington đang tích cực thúc đẩy chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương nhưng thiếu sự có mặt trực tiếp của ông chủ Nhà Trắng tại các hội nghị nêu trên, Trung Quốc sẽ có thêm cơ hội để quảng bá các dự án thương mại và phát triển của mình.
Theo Hải Ngọc
Người Lao Động