Fica
  1. Quốc tế

Tổng giám đốc IMF vạch thách thức, Thủ tướng Trung Quốc nói không quá nghiêm trọng

Theo Thủ tướng Lý Cường, Trung Quốc còn nhiều dư địa chính sách hỗ trợ nền kinh tế.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho rằng những quan ngại liên quan tới thách thức mà nền kinh tế nước này đang phải đối mặt không quá nghiêm trọng. Ông trấn an nhà đầu tư bằng cam kết đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng trong thời gian tới. 

Trung Quốc còn nhiều dư địa cho các chính sách hỗ trợ do tốc độ tăng trưởng giá tiêu dùng, hay còn gọi là lạm phát, “tương đối thấp”, và tỷ lệ nợ công không quá cao, ông Lý chia sẻ trong khuôn khổ Diễn đàn phát triển Trung Quốc trong ngày 24/3.  “Trong khi đó, nhu cầu thị trường vẫn chưa hoàn toàn phục hồi”, ông bổ sung. Đây là lần đầu tiên một Thủ tướng Trung Quốc phát biểu tại sự kiện này kể từ lần đầu tổ chức vào năm 2000.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường

Dù thừa nhận những rủi ro liên quan tới thị trường bất động sản và tình trạng nợ chính quyền địa phương, ông cho biết “một số khó khăn và vấn đề không quá nghiêm trọng như mọi người vẫn nghĩ” và các giải pháp nhằm hạn chế những rủi ro trên đang mang lại những hiệu quả nhất định. 

Ông nhấn mạnh vào một số giải pháp mà chính phủ đang nhắm tới nhằm cải thiện nhu cầu nội địa bao gồm gỡ bỏ các rào cản hình thành thị trường nội địa thống nhất, cấp hộ khẩu cho người dân di cư từ khu vực nông thôn lên thành thị và một chiến dịch khuyến khích người dân, doanh nghiệp thay thế các thiết bị, vật dụng cũ. 

Ông đồng thời cho biết Trung Quốc sẽ hướng trọng tâm vào các công nghệ và quy trình sản xuất tiên tiến. Bên cạnh đó, các động lực tăng trưởng mới đang dần được hình thành với thị phần các ngành công nghiệp chiến lược và mới nổi liên tục gia tăng trong thập kỷ vừa qua. Ông Lý khẳng định Trung Quốc sẽ không đánh đổi tăng trưởng trong ngắn hạn mà ngó lơ đi những rủi ro dài hạn. Chi phí vốn thời gian tới có thể tiếp tục giảm tiếp nhằm hỗ trợ hoạt động tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh. 

Bước sang năm 2024, kinh tế Trung Quốc bắt đầu ghi nhận tín hiệu khả quan với tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, sản xuất công nghiệp và đầu tư vượt dự báo. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế Trung Quốc trong dài hạn vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, bao gồm áp lực giảm phát hiện ở ngưỡng cao nhất ba thập kỷ trở lại đây, cuộc khủng hoảng chưa có hồi kết của thị trường bất động sản trong khi niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước suy giảm. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào nền kinh tế số hai thế giới trong năm 2023 tụt xuống ngưỡng thấp nhất 30 năm trở lại đây. 

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva khuyến nghị Trung Quốc tiến hành cải cách toàn diện, chú trọng giải quyết một loạt vấn đề nhằm mở ra tiềm năng tăng trưởng tới 20% trong vòng 15 năm tới. Những vấn đề mà bà mong muốn Trung Quốc cải thiện bao gồm khủng hoảng thị trường bất động sản, tiêu dùng nội địa, môi trường đầu tư, khung pháp lý quản lý giá điện và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). 

“Với quá trình cải cách toàn diện, Trung Quốc sẽ tăng trưởng mạnh mẽ thời gian tới với GDP có thêm khoảng 3.500 tỷ USD”, người đứng đầu IMF chia sẻ. 

Tham dự Diễn đàn còn có sự góp mặt của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu trong đó có Tim Cook (Apple), Albert Bourla (Pfizer), Raj Subramaniam (FedEx),... Thông thường, các lãnh đạo Trung Quốc thường tổ chức thảo luận với người đứng đầu doanh nghiệp trong khuôn khổ diễn đàn nhưng truyền thống kéo dài 20 năm đó có thể bị phá vỡ khi Wall Street Journal đưa tin Chủ tịch Tập Cận Bình có thể gặp mặt trực tiếp nhóm lãnh đạo doanh nghiệp quốc tế sau khi diễn đàn bế mạc. 

Đại Phú