Theo Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva, Trung Quốc hiện đứng trước hai lựa chọn: quay trở lại với các chính sách kinh tế cũ kỹ hoặc đổi mới nhằm đẩy mạnh tăng trưởng.
“Trung Quốc đang đứng trước ngã ba đường. Một bên là phụ thuộc vào bộ chính sách cũ vốn phát huy hiệu quả cao trong quá khứ và một bên là thay đổi để thích ứng với kỷ nguyên tăng trưởng chất lượng cao”, bà Georgieva chia sẻ tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh.
“Với một quá trình cải cách toàn diện, Trung Quốc có thể phát triển nhanh trong thời gian tới”, bà chia sẻ. Điều này có thể giúp Trung Quốc ghi nhận tốc độ tăng trưởng nền kinh tế lên tới 20% trong vòng 15 năm tới, tạo ra thêm 3.500 tỷ USD cho nền kinh tế, bà bổ sung.
Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva |
Trong quá trình hồi phục sau đại dịch Covid-19, Trung Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức bao gồm tốc độ gia tăng năng suất lao động thấp, dân số già, khủng hoảng thị trường bất động sản,... Tuy nhiên, người đứng đầu khẳng định: “Trong trung hạn, Trung Quốc vẫn tiếp tục đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu”.
Trước đó, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos (Thụy Sĩ), bà Georgieva cũng đã chỉ ra một số thách thức ngắn và dài hạn mà nền kinh tế số hai thế giới đang phải đối diện đồng thời cảnh báo Trung Quốc cần thực hiện công cuộc cải cách nhằm đẩy mạnh tăng trưởng, khôi phục niềm tin tiêu dùng trong nước.
Lần này, bà Georgieva một lần nữa đề cập tới chủ đề này khi nhắc tới tầm quan trọng của việc cải thiện nền tảng thị trường bất động sản và giảm thiểu rủi ro nợ chính quyền địa phương, cải thiện tâm lý người dân trong nước.
“Tăng trưởng chất lượng cao cần phải xuất phát từ tiêu dùng nội địa”, bà Georgieva chia sẻ, qua đó khuyến nghị chính phủ Trung Quốc cần nỗ lực đẩy mạnh sức mạnh tiêu dùng của người dân.
Đại Phú