Fica
  1. Quốc tế

Tổng giám đốc IMF: Các ngân hàng trung ương không nên sớm nới lỏng tiền tệ theo Fed

IMF không phải cơ quan duy nhất duy trì quan điểm thận trọng sau cuộc họp ngày 13/12 của Ngân hàng trung ương Mỹ.

Các ngân hàng trung ương toàn cầu không nên vội vã “hạ tấm khiên” trong cuộc chiến chống lạm phát dù Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã phát đi tín hiệu về khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ vào năm sau, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva khuyến nghị.

“Có trường hợp một số quốc gia tuyên bố chiến thắng quá sớm trước lạm phát. Và sau đó, lạm phát lại trở nên cố kết hơn và cuộc chiến chống lại áp lực giá cả trở nên khó khăn hơn”, bà chia sẻ với các phóng viên tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc trong khuôn khổ hội nghị do Ngân hàng trung ương nước này (BoK) tổ chức với chủ đề tiền điện tử. “Đừng bao giờ tỏ ra chắc chắn về một việc chưa xảy ra”, bà đưa ra lời khuyên.

Thêm caption vào đây! (Giữ Backspace để xóa.)

Người đứng đầu IMF chia sẻ quan điểm thận trọng cùng với Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) Andrew Bailey sau khi phiên họp 13/12 của Fed khép lại. Tại cuộc họp này, Ngân hàng trung ương Mỹ có lần thứ ba giữ nguyên lãi suất điều hành đồng thời thừa nhận những tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống lại áp lực giá cả. Theo kết quả dự báo dot-plot được công bố cùng ngày, các quan chức dự báo lãi suất sẽ về khoảng 4,5-4,75% vào cuối năm 2024, tương đương với khoảng 3 lần cắt giảm 0,25% vào năm sau. Thậm chí, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết cơ quan  này không cần đợi cho tới khi lạm phát chạm ngưỡng 2% để bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ. 

Bà cho biết Fed không sai khi phát tín hiệu về khả năng đảo chiều chính sách tiền tệ khi nhận được sự ủng hộ từ các dữ liệu kinh tế gần đây. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương khác cần phải đánh giá kỹ lưỡng tình hình của riêng nước họ trước khi đưa ra quyết định. “Dù lạm phát toàn cầu đang có xu hướng giảm, nhưng ở những thời điểm khác nhau, tại các quốc gia khác nhau, ngân hàng trung ương cần phải cân nhắc kỹ mọi hành động dựa trên hoàn cảnh của riêng quốc gia đó”, bà nói.

Đối với Hàn Quốc, bất chấp cuộc chiến chống lạm phát đã đi tới “giai đoạn cuối”, bà khuyến nghị BoK không nên “cầm đèn chạy trước ô tô” đối với các dữ liệu kinh tế.

Đại Phú