Fica
  1. Quốc tế

“Tính thống trị” thép của Trung Quốc tăng mạnh mặc cho sản lượng toàn cầu giảm sút

Vũ Lan Hương
Vũ Lan Hương

Gần đây, Trung Quốc đã tăng cường sản xuất thép ngay cả khi toàn bộ ngành công nghiệp sụt giảm về sản xuất.

 

Ngành sản xuất thép của Trung Quốc hậu đại dịch đã được hồi sinh nhờ những biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ nước này đưa ra. Ảnh: Nikkei Asian Review

Động thái này từ Trung Quốc cho thấy nền kinh tế hàng đầu thế giới này muốn mở rộng hơn nữa dấu ấn và tầm ảnh hưởng của mình trên thị trường thép toàn cầu.

Tính đến tháng 5 năm nay, sản lượng thép thô toàn cầu giảm tháng thứ ba liên tiếp, giảm 8,7% xuống còn 148,78 triệu tấn.

Trong khi đó, sản lượng của Trung Quốc tăng 4,2% lên 92,27 triệu tấn trong tháng 5, theo dữ liệu do Hiệp hội thép thế giới công bố vào hôm 23/6 mới đây.

Tính đến nay, Trung Quốc đang nắm giữ khoảng 62% thị trường thép của cả thế giới, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà sản xuất thép của Trung Quốc cũng đang tăng cường nhập khẩu quặng sắt, với âm mưu thống trị thị trường và có quyền đẩy giá lên mức cao khi nắm được lợi thế.

“Mối đe dọa từ Trung Quốc không thể đánh giá hết bằng những gì họ cho chúng ta nhìn thấy”, Eiji Hashimoto, Chủ tịch Liên đoàn Gang thép Nhật Bản và chủ tịch của Nippon Steel cho biết.

Sản xuất thép thô của Trung Quốc đã lập kỷ lục trong tháng 5 này so với số liệu hàng tháng từ Cục Thống kê Quốc gia. Ảnh: Nikkei Asian Review

Sản xuất thép tiếp tục có những dao động tại phần còn lại của thế giới. Sản lượng thép thô của Mỹ giảm 36,6% xuống 4,79 triệu tấn trong tháng 5, trong khi đó, con số này tại Liên minh châu Âu giảm 26,8% ở mức 10,49 triệu tấn.

Sản lượng của Ấn Độ giảm 39,1% xuống 5,77 triệu tấn, “khá hơn rất nhiều” so với mức giảm 65,2% của tháng 4. Sản lượng của Nhật Bản giảm 31,8% xuống còn 5,92 triệu tấn, cao hơn mức giảm 23,5% trong tháng Tư.

Sự suy giảm toàn cầu của tháng Năm thấp hơn mức giảm 13,4% trong tháng Tư, chủ yếu do Trung Quốc.

Nhìn chung, sản lượng thép toàn cầu trong tháng 5 đã có những dấu hiệu cải thiện rõ rệt khi chỉ dừng lại ở mức 9%, so với 13,4% trong tháng 4. Tuy nhiên, Trung Quốc lại là yếu tố quyết định cho tín hiệu đáng mừng này.

 

                                                                                         Hương Vũ

                                                                                   Theo Nikkei Asian Review