Fica
  1. Quốc tế

Thụy Sĩ đi tiên phong giảm lãi suất

Đại Phú
Đại Phú

Liệu đây có là điểm khởi đầu cho một chu kỳ "tiền rẻ" mới?

Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ (SNB) gây bất ngờ lớn đối với thị trường với quyết định giảm lãi suất điều hành 0,25% xuống còn 1,5% với lý do lạm phát tại nước này sẽ tiếp tục nằm dưới ngưỡng 2% trong thời gian tới. 

Quyết định này trái ngược với dự báo của giới chuyên gia vốn kỳ vọng SNB sẽ giữ nguyên lãi suất ở ngưỡng 1,75%. 

“Trong nhiều tháng qua, lạm phát đã suy yếu về thấp hơn ngưỡng 2%, tiêu chuẩn đánh giá ổn định giá cả của SNB. Theo những dự báo mới nhất, lạm phát vẫn sẽ duy trì ở ngưỡng ngày trong ít nhất nhiều năm tới”, cơ quan này cho biết. Trong tháng 2, lạm phát tại xứ sở đồng hồ giảm xuống còn 1,2%. 

Trụ sở Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ

Cũng trong cuộc họp này, SNB còn hạ dự báo lạm phát trong năm 2024 từ 1,9% (theo báo cáo tháng 12) xuống còn 1,4%, trước khi suy yếu về 1,2% trong năm 2025 (thay vì 1,6% như báo cáo trước đó). Bên cạnh đó, cơ quan này kỳ vọng lạm phát trong năm 2026 sẽ chỉ còn 1,1%. 

Ngoài ra, SNB cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế Thụy Sỹ sẽ không quá nhanh trong một vài quý tới, có thể đạt 1% trong cả năm nay. 

“Chúng tôi dự báo kinh tế Thụy Sĩ cũng như toàn cầu phải đối diện với sự bất ổn lớn. Rủi ro chính tới từ đà suy yếu hoạt động kinh tế tại các nền kinh tế khác. Trợ lực từ các thị trường bất động sản suy yếu nhiều trong một vài quý trở lại đây”, SNB cho hay. Ngoài ra, SNB còn thừa nhận mối đe dọa tới từ các sự kiện xung đột địa chính trị. 

Với quyết định trên, Thụy Sĩ chính là quốc gia phát triển đầu tiên cắt giảm lãi suất sau một giai đoạn dài đối mặt với áp lực lạm phát, bắt nguồn từ đại dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine. Bên cạnh đó, nền kinh tế của nước này còn chịu ảnh hưởng từ những xáo trộn trong lĩnh vực ngân hàng trong năm 2023 với việc chính phủ phải can thiệp xúc tiến thương vụ nhà băng UBS mua lại đối thủ Credit Suisse. 

Đại Phú