Ngành thương mại điện tử của khu vực đã có sự tăng trưởng lớn trước đại dịch, tăng gần 600% chỉ sau bốn năm, từ 5,5 tỷ USD năm 2015 lên 38 tỷ USD vào năm ngoái.
Khi đại dịch Covid-19 tấn công thế giới nói chung và Đông Nam Á nói riêng, các cửa hàng trên khắp thế giới phải đóng cửa, người tiêu dùng ở Đông Nam Á và các nơi khác đã buộc phải quay sang hình thức mua sắm trực tuyến – và những biên lai bán hàng gửi tới các nền tảng thương mại điện tử đã tăng vọt.
Nền tảng mua sắn trực tuyến Shopee có trụ sở tại Singapore đã chứng kiến doanh số bán hàng tại Indonesia tăng hơn 120% trong bốn tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm ngoái, theo Giám đốc thương mại Zhou Junjie, có hơn 185 triệu đơn đặt hàng được đặt qua nền tảng này ở Singapore.
Theo báo cáo từ Google, Temasek và Bain & Company vào năm ngoái, nghành thương mại điện tử của khu vực đã có sự tăng trưởng lớn trước đại dịch, tăng gần 600% chỉ sau bốn năm, từ 5,5 tỷ USD năm 2015 lên 38 tỷ USD vào năm ngoái. Và báo cáo cũng dự báo rằng lĩnh vực này sẽ tăng hơn 150 tỷ USD giá trị vào năm 2025.
Theo Richard Wong, phó chủ tịch và người đứng đầu ngành CNTT của châu Á-Thái Bình Dương tại công ty tư vấn nghiên cứu Frost & Sullivan cho biết: “Đại dịch Covid-19 đã giúp tăng tốc xu hướng đó, với Shopee và các nhà bán lẻ trực tuyến khác, có lẽ họ hy vọng người tiêu dùng sẽ thay đổi hành vi mua sắm mãi mãi. Giữa đại dịch và việc đóng cửa các địa điểm, nhà hàng, nhiều người trên khắp Đông Nam Á đã tìm thấy các sản phẩm thích hợp để mua và bán trên các nền tảng thương mại điện tử.”
Wong nói rằng số lượng giao dịch trực tuyến cho cửa hàng tạp hóa và thực phẩm mang đi trong khu vực tăng từ 50% đến 400% từ tháng 3 đến tháng 5 năm nay, một số nơi còn chứng kiến tổng giá trị hàng hóa của họ tăng ít nhất 50% so với cùng kỳ.
Đồng thời, lãnh đạo thương mại điện tử Lazada cho biết trong một tuyên bố rằng công ty tạp hóa trực tuyến Redmart đã chứng kiến doanh số trung bình hàng tuần tăng gấp ba lần ở Singapore trong bối cảnh đại dịch, thêm vào đó, nó đã giúp những nông dân ở Malaysia bán được khoảng 1,5 tấn rau quả mà lẽ ra đã bị loại bỏ đi.
Và không chỉ các nền tảng khu vực được thành lập như Shopee và Lazada đã được hưởng lợi, theo ông Wong, sự cạnh tranh giữa những nền tảng thương mại điện tử địa phương với các nền tảng thương mại điện tử lớn cũng ngày càng tăng, như Sendo tại Việt Nam, Tokopedia và Bukalapak ở Indonesia, nơi có lợi thế trong việc thu hút người dùng mới do những nội dung bán hàng, quảng cáo được bản địa hóa của họ.
Theo thống kê từ nhà tổng hợp mua sắm trực tuyến iPrice có trụ sở tại Malaysia, trong quý 3 năm ngoái, Shopee và Sendo đã ở vị trí cạnh tranh ngang nhau khi tham gia vào thị trường Việt Nam. Nhưng Sendo phục vụ cả khách hàng doanh nghiệp và bán lẻ, tính đến tháng 2 năm nay, Sendo đã có hơn 300.000 người bán và 10 triệu người mua ở tất cả các vùng của đất nước, đặc biệt là khu vực nông thôn.
Tại Indonesia, Tokopedia có lợi thế đầu tiên và hiện đang kiểm soát miếng bánh lớn nhất của thị trường thương mại điện tử. Nó hoạt động bằng cách kết nối người mua với người bán, do đó nó không cần đến các cơ sở hậu cần lớn, không cần nhiều vốn cũng không cần tạo các trang thiết bị để hấp dẫn các nhà đầu tư. Vào tháng 1 năm nay, Tokopedia đã nhận được 500 triệu USD từ Temasek - cơ quan đầu tư nhà nước của Singapore.
Báo cáo kinh tế Internet được trích dẫn trước đó cho thấy rằng trong khi khu vực ở Malaysia, Thái Lan, Singapore và Philippines đang tăng trưởng từ 20 đến 30% mỗi năm thì Indonesia và Việt Nam đang dẫn đầu với mức tăng trưởng trên 40% một năm.
Tuy nhiên, trong một khu vực mà hầu hết người tiêu dùng vẫn chủ yếu giao dịch bằng tiền mặt, cũng có cơ hội cho các dịch vụ giao hàng bằng tiền mặt được phát triển - chẳng hạn như một công ty khởi nghiệp công nghệ hậu cần Úc Shippit đang hy vọng sẽ hợp tác được với nền tảng thương mại điện tử Shopify của Canada.
Lavneesh Arora, giám đốc phát triển thị trường của công ty nói: “Có thể coi phần mềm của Shoppify như một người tạo ra thương mại điện tử: bằng cách cung cấp tiền mặt khi giao hàng như một dịch vụ mới.”
Các cơ hội của ngành thương mại điện tử rõ ràng đến mức ngay cả các doanh nghiệp bán hàng truyền thống cũng đang tìm cách để có được một miếng bánh trong lĩnh vực này. Suntec City, một trung tâm mua sắm ở trung tâm Singapore, đã tổ chức một lễ hội mua sắm trực tiếp trên mạng trong suốt ba ngày vào tháng 6 vừa qua trên ứng dụng của riêng họ - với các phiên tương tác bao gồm các sản phẩm chỉ có sẵn qua phát video trực tiếp trên mạng và giảm giá cho hơn 40 thương hiệu tại 16 cửa hàng đã tham gia vào sự kiện này.
Anthony Yip, phó chủ tịch điều hành APM Property Management của Suntec City, cho biết: “Một sự kiện mua sắm được phát sóng trực tiếp trên mạng, kết hợp yếu tố tương tác của một cửa hàng ngoại tuyến với yếu tố giải trí từ việc phát sóng trực tuyến cho khán giả xem qua mạng. Bằng cách này, những người mua hàng có thể tương tác và mua sản phẩm của chúng tôi từ bất cứ nơi nào trong khi vẫn có được đầy đủ các trải nghiệm thực tế khi đến trung tâm mua sắm.”
Và thậm chí ngay cả những người bán hàng online cá nhân cũng đã có những bước đột phát trong lĩnh vực này. Chẳng hạn như Chloe Ng, 34 tuổi, một người bán hàng ở Singapore, đã bắt đầu bán các sản phẩm làm đẹp trên Instagram trong thời gian giãn cách xã hội bởi Covid-19 vào đầu năm nay.
Chloe đã đưa ra các quảng cáo online, tạo áp phích và chia sẻ những cảm nhận của những khách hàng đã sử dụng sản phẩm. Vào những ngày tốt, cô ấy nói rằng mình có thể kiếm tới 600 đô la Singapore (tương đương 435 USD). Chloe nói: “Tôi đã không hề nhận ra sức mạnh của Instagram cho đến khi tôi bắt đầu làm việc với nó. Một lợi thế ở đây là bạn quản lý trang bán hàng cá nhân của bạn vào thời gian riêng của mình, với hàng tồn kho và vốn khởi nghiệp thấp nhưng bạn có thể kiếm thêm tiền từ nó. Nếu bạn có thời gian để lướt mạng và xem các thông tin truyền thông xã hội, thì bạn bạn cũng sẽ có thời gian cho việc này.”
Thùy Dung
Theo SCMP