Khối lượng dầu thô xuất khẩu trên phạm vi toàn cầu trong năm 2024 giảm 2% so với năm 2023, đánh dấu năm giảm đầu tiên kể từ đại dịch Covid-19. Lý do bắt nguồn từ tốc độ tăng trưởng nhu cầu yếu trong khi các dòng chảy thương mại dầu mỏ có nhiều thay đổi.
2024 là năm thứ hai mà dòng chảy dầu mỏ toàn cầu chịu tác động kết hợp từ xung đột Nga -Ukraine và tình hình căng thẳng tại Trung Đông. Trong thời gian này, nhiều tàu chở dầu đã phải chuyển hướng trong khi mối quan hệ giữa khách mua và nhà cung cấp cũng được tái định hình.
Những thay đổi đó ngày một rõ nét khi các vụ tấn công trên biển Đỏ xuất hiện. Xuất khẩu dầu mỏ từ Trung Đông tới châu Âu năm vừa qua vì thế sụt giảm tới 22%, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Kpler.
Sự “thay dòng” này “giúp hình thành nên các khối đồng minh mới”, Chuyên gia năng lượng Adi Imsirovic, đánh giá. Ông nhấn mạnh vào mối quan hệ thân thiết hơn giữa Nga với Ấn Độ, Trung Quốc, và Iran. Sợi dây kết nối giữa những người bán và khách mua lớn đó đang định hình lại dòng chảy thương mại dầu mỏ toàn cầu.
“Dầu mỏ không chảy theo đường cong chi phí tối ưu nữa. Và hệ quả đầu tiên là hiện tượng phí vận tải tăng cao, ăn mòn biên lợi nhuận của các nhà sản xuất”, Imsirovic chia sẻ.
Trong khi đó, với sản lượng dầu đá phiên tăng vọt, Mỹ chính là “kẻ thắng” trong dòng chảy thương mại dầu mỏ toàn cầu. Quốc gia này xuất khẩu khoảng 4 triệu thùng dầu mỗi ngày, kéo tăng thị phần lên 9,5% và hiện chỉ đứng sau Arab Saudi và Nga.
Và những thay đổi trong dòng chảy thương mại dầu mỏ quanh thế giới còn tới từ việc tập đoàn Dangote cho xây dựng thêm một cơ sở lọc dầu khổng lồ tại Nigeria; Canada nối dài hệ thống đường ống Trans Mountain sang khu vực bờ Tây; tình hình sụt giảm sản lượng của Mexico; Libya tạm dừng xuất khẩu và sức mạnh cung ứng của Guyana.
Trong năm 2025, các nhà cung cấp được dự báo tiếp tục gặp khó với tình trạng sụt giảm nhu cầu tại các trung tâm tiêu thụ lớn như Trung Quốc. Nhiều hơn các quốc gia gia tăng sử dụng các dạng năng lượng tái tạo trong khi giảm tiêu thụ dầu mỏ và khí đốt nhằm hiện thực hóa mục tiêu trung hòa khí nhà kính.
Năm 2024, kim ngạch nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc thấp hơn khoảng 3% khi nhu cầu sử dụng xe điện và hybrid sạc điện trong nước tăng cao. Nước này cũng đẩy mạnh sử dụng khí hóa lỏng trong lĩnh vực vận tải nặng. Còn tại châu Âu, công suất lọc dầu thấp đi liền với tham vọng cắt giảm khí nhà kính khiến cho kim ngạch nhập khẩu dầu của khu vực đi lùi 1%.
“Những bất ổn và biến động này chính là điều bình thường mới trên thị trường dầu mỏ. 2019 chính là năm ‘bình thường’ cuối cùng trên phương diện cũ”, Erik Broekhuizen, chuyên gia tới từ công ty môi giới vận tải Poten & Partners, chia sẻ.