Tự hào khi cung cấp trang phục cho 40 tổng thống Mỹ và vô số chủ ngân hàng đầu tư. Brooks Brothers đạt doanh thu hơn 991 triệu USD vào năm ngoái, trong đó 20% đến từ việc bán hàng trực tuyến. Công ty có hơn 200 cửa hàng tại Bắc Mỹ và 500 cửa hàng trên toàn thế giới với 4.025 nhân viên.
Tuy nhiên, vào hôm 8/7, Brooks Brothers nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại một tòa án ở Delaware.
Hãng này đang dần đóng 20% trong số 250 cửa hàng tại Mỹ. Theo tài liệu nộp lên tòa án, Brooks Brothers đã huy động được 75 triệu USD để tiếp tục hoạt động.
Hãng thời trang lâu đời trong vài năm gần đây đã gặp khó khăn do các doanh nghiệp tại Mỹ nới lỏng quy định về trang phục cho nhân viên. Sau đó, đại dịch xuất hiện, khiến nhu cầu vest lao dốc không phanh. Nhiều người làm việc tại nhà chọn các trang phục thoải mái hơn, như áo phông, quần thể thao thay vì áo sơ mi và vest.
Brooks Brothers là hãng bán lẻ biểu tượng mới nhất của Mỹ gia nhập danh sách phá sản gần đây, sau J.Crew, Neiman Marcus và JCPenney. Ảnh: Getty Images
Tháng trước, họ đã cảnh báo sẽ sa thải gần 700 nhân viên tại 3 bang và đang tìm người mua lại, do đại dịch hủy hoại việc kinh doanh. Công ty này đang cân nhắc nhiều lựa chọn chiến lược, trong đó có bán lại. Tuy nhiên, họ cũng đang gặp khó trong việc tìm người mua. Một người phát ngôn của hãng cho biết rằng họ kỳ vọng “hoàn tất quá trình mua bán trong vài tháng tới”.
Nhiều doanh nghiệp, bao gồm Authentic Brands thể hiện sự quan tâm với việc mua lại Brooks Brothers, tuy nhiên phần lớn trong số họ đều muốn mua lại thương hiệu này với ít cửa hàng hơn.
“Đại dịch khiến triển vọng kinh doanh của họ đi xuống trầm trọng. Nhưng từ trước đó, Brooks Brothers đã gặp khó do không thích ứng được với xu hướng thời trang đang thay đổi”, Neil Saunders – Giám đốc GlobalData Retail cho biết: “Nếu nói về gu thời trang và phong cách, Brooks Brothers đang bơi ngược dòng”.
Hương Vũ
Theo CNBC