Fica
  1. Quốc tế

Thêm một công ty bất động sản Trung Quốc đứng trước nguy cơ thanh lý tài sản

Đại Phú
Đại Phú

Đây là lần hiếm hoi một ngân hàng gửi yêu cầu thanh lý tài sản của công ty bất động sản lên tòa án.

Công ty phát triển bất động sản Trung Quốc Shimao Group phát đi thông báo về việc Ngân hàng xây dựng (China Construction Bank) đã nộp yêu cầu buộc công ty này phải thanh lý tài sản lên tòa án Hong Kong liên quan tới các khoản nợ phải trả. Đây là lần hiếm hoi một ngân hàng quốc doanh có hành động tương tự kể từ khi khủng hoảng nổ ra trên thị trường bất động sản nước này. 

Theo đó, yêu cầu thanh lý tài sản xoay quanh việc Shimao không thể thanh toán khoản vay trị giá 1,58 tỷ HKD (tương đương 201,75 triệu USD). Số nợ trên bao gồm các khoản cho vay trực tiếp từ CCB và gián tiếp thông qua một nhóm các chủ nợ khác. 

Ngay sau khi thông tin trên được công bố, giá cổ phiếu của Shimao sụt giảm gần 20% xuống chỉ còn 0,37 HKD, mức giá thấp kỷ lục từng được ghi nhận. 

Shimao đối diện với rủi ro phải thanh lý tài sản để trả nợ

Trong báo cáo gửi lên Sàn Giao dịch Chứng khoán Hong Kong, Shimao “kịch liệt” phản đối hành động pháp lý trên. “Yêu cầu thanh lý tài sản trên không đại diện cho quyền lợi của nhóm chủ nợ nước ngoài cũng như các bên có liên quan khác. Trước đó, Shimao đã trình kế hoạch tái cấu trúc đối với khoảng 11,7 tỷ USD nợ nước ngoài. 

Sự việc này là bằng chứng mới nhất phản ánh sự khó khăn mà các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc gặp phải kể từ khi khủng hoảng bùng nổ vào cuối năm 2021. Dù là một lĩnh vực quan trọng đối với nền kinh tế, chính phủ Trung Quốc lại đang thiếu đi những gói hỗ trợ lớn đối với các doanh nghiệp trong ngành. 

“Thông thường, các ngân hàng thường làm việc với các doanh nghiệp nhằm tìm ra phương án trả nợ tốt nhất”, Fern Wang, Chuyên gia phân tích tại KT Capital, chia sẻ. “Trong trường hợp này, dường như CCB đã hết lựa chọn. Do đó, họ mới gửi yêu cầu thanh lý tài sản của Shimao”, ông nói. 

Shimao là một trong số nhiều doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc rơi vào cảnh vỡ nợ khi không thể thanh toán gốc và lãi trái phiếu trị giá 1 tỷ USD vào tháng 7/2022. Sau đó, toàn bộ khoản nợ nước ngoài lên tới 11,7 tỷ USD của công ty này cũng bị gắn mác “mất khả năng thanh toán”. 

Điều này buộc Shimao phải tiến hành kế hoạch tái cấu trúc đối với các chủ nợ. Tuy nhiên, theo nguồn tin của Reuters, một số chủ nợ lớn tỏ ý không đồng tình với kế hoạch đã được trình lên do khoản thiệt hại quá lớn mà họ phải đối mặt. 

Để kế hoạch tái cấu trúc được thông qua, Shimao cần ít nhất sự tán thành của nhóm chủ nợ đại diện ít nhất 75% tổng dư nợ của doanh nghiệp này. 

Trước đó, Reuters đưa tin Deutsche Bank cũng đang cân nhắc hành động tương tự như CCB đối với Shimao khi nhận thấy các điều khoản tái cấu trúc nợ không đáp ứng được kỳ vọng. 

Đại Phú